Tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, Thái Nguyên được Trung ương đánh giá có phong trào dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Và đến nay, toàn tỉnh đã có 2 địa phương về đích; bình quân mỗi xã đã đạt 15,2 tiêu chí, cao hơn bình quân chung cả nước (13,6 tiêu chí/xã). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng đã và đang cho thấy trong quá trình thực hiện tại cơ sở còn không ít hạn chế. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm không bàn về những kết quả đạt được, mà chỉ đề cập đến những khó khăn và cả bất cập, cần thiết phải có sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Kỳ I: Nhìn thẳng, nói thật
Mục tiêu trọng tâm của Chương trình là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương lại chỉ chủ yếu tập trung đến việc phát triển kết cấu hạ tầng, còn những tiêu chí liên quan đến sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức khiến chất lượng nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...
Nợ tiêu chí - chuyện không mới
Ông Hoàng Thanh Giao, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã khá thẳng thắn khi chia sẻ với chúng tôi: Tính đến hết năm 2017, huyện có 10/19 xã đạt chuẩn NTM và theo kế hoạch, năm nay sẽ có thêm 4 xã về đích, nhưng bản thân tôi không tránh khỏi những băn khoăn, vì chất lượng của nhiều tiêu chí chưa thực sự đạt chuẩn, đó là chưa kể nhiều xã phải nợ tiêu chí (chủ yếu liên quan đến khối lượng các công trình). Chính vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để hoàn thiện các tiêu chí tốt hơn trong thời gian tới. Còn theo ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Một số tiêu chí không dễ thực hiện nên hiệu quả đạt được chưa cao, đặc biệt là về môi trường và hình thức tổ chức sản xuất. Vì thế, từ trước đến nay, các địa phương thường sử dụng khái niệm “cơ bản đạt”, mà thực chất là chưa đạt nên phải “nợ” lại khi chấm điểm
Đồng tình với quan điểm này, các ông: La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh; Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa phân tích: Đó là những tiêu chí cần phải được thực hiện trong thời gian nhiều năm thì mới có thể tạo ra được sự thay đổi trong nhận thức, hành động của người dân, còn nếu chỉ quan tâm thực hiện trong một, hai năm trước khi về đích sẽ khó đạt hiệu quả bền vững, lâu dài. Chính vì thế, trong số 19 tiêu chí NTM, đây được xem là 2 tiêu chí khó thực hiện nhất. Điều này lý giải cho việc vì sao mặc dù đã đạt chuẩn NTM nhưng lãnh đạo từ huyện đến cơ sở và cả người dân đều không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở, thậm chí cho rằng có sự “động viên” khi chấm điểm. Còn theo kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, trong số 16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM 2016, chỉ có 4 xã không nợ tiêu chí, còn lại đều nợ từ 1 đến 3 tiêu chí, liên quan các công trình xây dựng.
Cùng với nợ, nhiều tiêu chí được thực hiện chỉ nhằm mục đích “đối phó”. Điển hình là việc thành lập HTX. Qua tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, nhiều HTX đã “khai tử” ngay từ lúc “khai sinh” - nghĩa là không có lấy 1 ngày hoạt động. Lại có không ít HTX về hình thức hoạt động trên sổ sách thì theo Luật HTX 2012, nhưng thực chất chỉ do 1 người quản lý, điều hành, khi thuận lợi thì thu mua sản phẩm cho hộ xã viên, nếu không thì “mạnh ai nấy lo”. Hay như tiêu chí về điểm bưu điện văn hóa xã, mặc dù nhiều nơi hoạt động không hiệu quả nhưng trong bảng chấm điểm, địa phương nào cũng “đạt”
Gánh nặng đầu tư
Ông Triệu Văn Tùng, cán bộ địa chính xã Phú Lạc (Đại Từ) - xã phấn đấu về đích năm nay cho rằng: Việc dồn lực để về đích trong cùng một năm tới 5 tiêu chí như ở xã thực sự rất vất vả. Trong khi các nhiệm vụ khác vẫn phải đảo bảo, thì lại có một lượng lớn công việc của NTM cần thực hiện. Chỉ tính riêng trong năm 2018, xã làm chủ đầu tư 8 công trình, gồm: Trung tâm thể thao xã, các phòng chức năng của Nhà văn hóa xã, chợ, 2 tuyến đường và 3 tràn liên hợp. Cùng với đó là phải vận động nhân dân hiến đất làm đường; triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất cho người dân… Cũng do được tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình trong năm về đích nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân rất lớn, tạo áp lực không nhỏ cho nhiều hộ dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như ở xóm Trại Tre, theo ông Nguyễn Văn Lục, 2 năm qua, trung bình mỗi hộ trong xóm phải nộp tiền đối ứng làm đường, nhà văn hóa là 7 triệu đồng, có hộ lên tới 40-50 triệu đồng. Nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn buộc phải đi vay mượn.
Còn tại xã Ôn Lương (Phú Lương), mặc dù đã về đích năm 2015 nhưng đến nay, tổng nợ xây dựng cơ bản của xã vẫn còn tới 10,5 tỷ đồng. Trong đó có 438 triệu đồng nợ của người dân, còn lại là nợ của ngân sách nhà nước các cấp. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã: Khi bắt tay xây dựng NTM, là xã đặc biệt khó khăn nên để đạt chuẩn theo quy định thì Ôn Lương cần một nguồn lực đầu tư rất lớn, nhất là đường giao thông. Vì thế, tổng số nợ sau khi xã đạt chuẩn là hơn 16 tỷ đồng. Từ đó đến nay, bằng nguồn ngân sách huyện phân bổ, trung bình mỗi năm, xã trả nợ cho doanh nghiệp được hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, để có tiền đối ứng, nhiều hộ dân ở một số xóm còn phải vay vốn ngân hàng lên tới hàng chục triệu đồng. Dù vậy, do quá khát khao có đường bê tông để thay thế đường đất nên người dân vẫn đồng tình cao.
Và những hạn chế... cố hữu
Ngoài những hạn chế, bất cập trên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương còn chưa thực sự quyết liệt; đề án phát triển sản xuất chưa thực sự là động lực để khơi dậy được sức dân thi đua lao động sản xuất nhằm nâng cao thu nhập (chưa có những mô hình điểm để nhân rộng). Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Còn theo Thông báo kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ngày 29-12-2017 đối với 16 xã công nhận NTM năm 2016 thì: Chất lượng nhiều tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ, thu nhập, tổ chức sản xuất còn hạn chế, kém bền vững; nhiều nơi còn tình trạng trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước; các hợp tác xã (HTX), đặc biệt là HTX nông nghiệp còn ít về số lượng, hoạt động mang tính hình thức, kém hiệu quả; liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất chưa nhiều; nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển. Mức độ thực hiện các tiêu chí ở các địa phương, vùng miền chưa đồng đều. Thu nhập và đời sống của nhân dân mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp; vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, tiêu chí về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân chưa được quan tâm đúng mức; một số địa phương chưa xác định được thế mạnh kinh tế của địa phương để đào tạo nghề cho phù hợp… Và hiện, những hạn chế này vẫn cơ bản chưa được khắc phục.
Ông Phạm Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình (Đồng Hỷ)
Hòa Bình về đích NTM năm 2016, nhưng nếu so với bộ tiêu chí giai đoạn 2017-2020 thì xã hiện có 8 tiêu chí chưa đạt. Do đã đạt chuẩn NTM nên nguồn lực đầu tư của Nhà nước hiện rất hạn chế, trong khi kết cấu hạ tầng bị xuống cấp, nhiều công trình cần phải đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Rất mong Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực nhiều hơn cho các địa phương như Hòa Bình.
Ông Lê Văn Phục, Trưởng xóm Đồng Chuối, xã Dân Tiến (Võ Nhai): Theo tôi, việc kiểm tra, chấm điểm các tiêu chí để công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, môi trường... cần đảm bảo thực chất, khách quan hơn để tạo động lực thi đua.
Bà Phạm Thị Châm, ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên): Hơn lúc nào hết, bà con chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giúp người nông dân liên kết, bao tiêu được sản phẩm cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Tránh tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá hoặc cứ phải “giải cứu” nông sản như thời gian qua.
(Còn nữa)