Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên và thành lập các tổ chức Đảng (TCĐ) trong các DN FDI. Song thực tế số lượng đảng viên mới kết nạp cũng như số lượng TCĐ được thành lập trong các DN FDI hiện vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các DN FDI hiện chưa quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong DN là do chủ DN chưa coi trọng vị trí, vai trò của TCĐ. Mục tiêu của các công ty nước ngoài khi đến Việt Nam đầu tư là hướng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm sao để mang lại giá trị kinh tế và lợi nhuận cao nhất có thể. Cộng với đó, nhiều chủ DN FDI hiểu chưa đầy đủ về vai trò của TCĐ, suy nghĩ TCĐ chỉ làm nhiệm vụ chính trị đơn thuần, nên chưa thực sự quan tâm đến phát triển Đảng.
Ông Choi Cheol Young, Giám đốc Công ty Seung Woo Vina. LTD (Khu công nghiệp Yên Bình) quan niệm: “Nhiệm vụ chính của Công ty là hiệu quả sản xuất, vì thế khi tiến hành đề bạt, cân nhắc lao động vào bất cứ vị trí quan trọng nào, Ban Giám đốc thường sẽ dựa vào tiêu chí trình độ lao động, năng lực lãnh đạo, quản trị của người lao động chứ ít quan tâm đến bằng cấp và người đó có là đảng viên hay không?”.
Thậm chí, một số chủ DN FDI khác còn cho rằng khi thành lập TCĐ thì việc sản xuất, kinh doanh của Công ty sẽ bị chi phối bởi điều lệ, các quy định của Đảng…
Trước thực trạng trên, Công đoàn cơ sở được xem là cầu nối quan trọng giúp TCĐ và Công đoàn cấp trên tiếp cận với các chủ DN FDI để tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của họ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của Công đoàn theo như ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New One Tech (Khu công nghiệp Điềm Thụy): Khi chủ DN chưa mặn mà với chính trị, công tác Đảng thì cán bộ công đoàn sẽ nảy sinh tâm lý e ngại, không dám đề xuất thành lập TCĐ cũng như giới thiệu quần chúng ưu tú đi học các lớp nhận thức về Đảng. Ngoài ra, chủ DN là người nước ngoài nên không thể gặp mặt thường xuyên, chưa kể những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, quan điểm chính trị quốc gia cũng khiến cho việc vận động, thuyết phục mất nhiều thời gian, tâm sức...
Đảng viên chưa chủ động
Khi chủ DN chưa chú trọng phát triển Đảng thì bản thân đảng viên tại các DN FDI đó còn mang tâm lý e ngại, né tránh. Thực tế tại các doanh nghiệp FDI hiện nay, việc đảng viên “giấu” thông tin khi vào làm tại các DN này là không ít.
Đồng chí Trần Văn Long, Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, cho biết: Mặc dù, chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng qua nắm bắt sơ bộ tại các DN FDI đang hoạt động trong các khu công nghiệp hiện có trên 50 đảng viên là người lao động nhưng không khai báo thông tin đảng viên. Nguyên nhân được các đảng viên này giải thích là do các đơn vị này chưa có TCĐ nên đảng viên e ngại khai báo sẽ bị để ý, phân biệt đối xử trong công việc.
Là đảng viên đang làm việc tại một DN FDI thuộc Khu công nghiệp Yên Bình, nhưng sinh hoạt tại địa phương chị N.T.L (T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Làm việc tại DN nhưng lại sinh hoạt Đảng ở địa phương, tôi thường không chủ động được thời gian, không tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, học tập nghị quyết của Đảng. Chưa kể, môi trường sinh hoạt khác nhau nên nội dung các buổi sinh hoạt Đảng thường không gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; các đảng viên không thể cùng chia sẻ, trao đổi với nhau trong cùng cuộc họp.
Có thể thấy, do chưa thành lập được TCĐ tại nơi công tác nên các đảng viên vẫn phải tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú, điều này sẽ gây ra những bất lợi cho chính đảng viên và công tác quản lý đảng viên tại các DN. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, Liên đoàn Lao động tỉnh đang yêu cầu các Công đoàn cơ sở tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo để nắm bắt rõ số lượng đảng viên trên, từ đó sẽ có những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên sinh hoạt cũng như công tác quản lý.
Không chỉ có tâm lý e ngại khai báo, hiện nay, đảng viên tại các DN FDI còn không muốn đảm nhận các vai trò chủ chốt trong TCĐ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Chi bộ Mani Hà Nội, cho biết: Nhiều đảng viên giữ chức vụ lớn, có uy tín với chủ DN được bầu làm Bí thư chi bộ nhưng đảng viên đó thường tìm cách từ chối, né tránh, ngại đảm nhận vì suy nghĩ Đảng là vấn đề “nhạy cảm” đối với DN FDI.
Thiếu chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy cơ sở
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, số lượng TCĐ được thành lập và số lượng đảng viên được kết nạp trong các DN FDI trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt thấp.
Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Lực, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận xét: Bên cạnh yếu tố khách quan từ phía DN thì một trong những nguyên nhân là do cấp ủy các cấp vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và có giải pháp tác động hiệu quả. Nhiều đơn vị chưa thực sự nghiên cứu, trăn trở để tìm giải pháp đẩy mạnh việc phát triển Đảng trong các DN FDI. Thậm chí tại một số cấp ủy cơ sở chưa nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, TCĐ trong DN FDI. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số cấp ủy cơ sở chưa được coi trọng đúng mức; việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của cấp trên còn chậm và thiếu cụ thể... Tại các TCĐ đã thành lập được trong các DN FDI thì việc tổ chức sinh hoạt chi bộ lại chưa đảm bảo về chất lượng, nội dung, nề nếp sinh hoạt; chưa thể hiện được tính lãnh đạo, chiến đấu và giáo dục của chi bộ, dẫn đến chủ DN chưa thấy được lợi ích của TCĐ trong DN. Đó là chưa kể số hoạt động tiếp xúc, vận động chủ DN thành lập tổ chức đoàn, hội còn ít, còn tâm lý ngại tiếp xúc, đối thoại... cũng trực tiếp hoặc gián tiếp “ngăn” các chủ DN FDI thành lập TCĐ tại đơn vị.
Còn theo đồng chí Hà Văn Dương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp: Xây dựng Đảng trong các DN FDI là nhiệm vụ mới và khó. Bởi ngay tại các DN FDI đã có TCĐ thì vai trò của Đảng cũng chưa thực sự rõ nét, nhất là khi bí thư, phó bí thư của TCĐ không phải là cán bộ chủ chốt của DN nên chưa đủ sức lãnh đạo, thuyết phục và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra tại DN. Thêm nữa, một bộ phận công nhân, người lao động giác ngộ chính trị còn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng.
Đồng chí Lê Thanh Tuyết, Bí thư Đảng bộ T.X Phổ Yên: Quan điểm của Đảng bộ thị xã là không nhất thiết chạy theo số lượng, mà điều quan trọng là phải tìm được nhân tố tích cực để phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong DN FDI. Có như vậy, các TCĐ này mới thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị của mình.
Đồng chí Dương Thị Hồi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Power Tech (Khu công nghiệp Điềm Thụy): Phần lớn tại các DN FDI muốn phấn đấu vào Ðảng lại luôn hạn chế về mặt thời gian để tham gia các lớp bồi dưỡng sinh hoạt Ðảng, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng. Ðây cũng chính là rào cản làm cho nhiều cán bộ, công nhân, lao động ưu tú ngại ngần, chưa mạnh dạn đề đạt nguyện vọng cho dù bản thân mong muốn được kết nạp Ðảng.
Đồng chí Vũ Thu Hà, Công ty TNHH Young Jin H-Tech Việt Nam: Vì không có TCĐ nên đảng viên là công nhân phải sinh hoạt tại nơi cư trú nhưng do chức năng, nhiệm vụ của chi bộ không đúng với năng lực, sở trường, tính chất công việc nên đảng viên hầu như chỉ dự họp dưới dạng “đánh trống ghi tên”, thậm chí nhiều trường hợp đảng viên không sắp xếp được thời gian, công việc để dự họp chi bộ.
(Còn nữa)