Công tác phát triển Đảng trong các DN FDI là tất yếu khách quan trong bối cảnh hiện nay. Việc thành lập TCĐ trong DN FDI không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị - xã hội của một bộ phận người lao động, mà còn khẳng định sức hút và vai trò của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong khi mỗi DN FDI khác nhau về quy mô, cách thức hoạt động, mô hình quản trị, kinh doanh, để thực hiện có hiệu quả công tác phát triển Đảng trong các DN này, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có chiến lược và cách tiếp cận mới cho phù hợp...
Lấy Công đoàn làm cầu nối
“Khâu khó nhất là vận động để chủ DN đồng ý cho phép thành lập TCÐ. Muốn gặp chủ DN, chúng tôi phải dựa vào đội ngũ cán bộ công đoàn” - Đó là chia sẻ của đồng chí Phan Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy các KCN Thái Nguyên khi nói về cách tiếp cận với các chủ DN FDI hiện nay.
Chúng tôi được biết, trên 80% DN FDI trong tỉnh hiện đã có tổ chức Công đoàn. Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: Phát triển Đảng cũng là trách nhiệm của Công đoàn bên cạnh việc đại diện, chăm lo, bảo vệ CNVCLĐ. Do đó, để phát triển Đảng ở cơ sở, đối tượng phát triển đảng viên đầu tiên là cán bộ công đoàn cơ sơ, qua đó góp phần khẳng định bản lĩnh, vai trò lãnh đạo tiên phong. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng giáo dục công nhân, người lao động, giúp họ hiểu rằng vào Đảng không phải để được gì, mà là cơ hội để người công nhân trưởng thành về mặt lý luận chính trị cũng như nhận thức trách nhiệm trong công việc. Tại những DN chưa có TCĐ, Công đoàn cấp trên có trách nhiệm bồi dưỡng để quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng, đồng thời tham mưu và tạo điều kiện để đảng viên của DN đó được sinh hoạt ghép.
Áp dụng cách làm này, thời gian qua, Chi bộ Công đoàn Doanh nghiệp (Đảng bộ các KCN Thái Nguyên) đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Ông Dương Văn Thái, Bí Thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh nói: Tính riêng trong năm nay, chúng tôi đã tập hợp, giới thiệu được 4/5 đoàn viên công đoàn tiêu biểu của DN FDI đi học lớp cảm tình Đảng. Đây sẽ là những hạt nhân chính trị tương lai giúp nối dài cánh tay của Đảng tại các DN nước ngoài. Là một trong số này, anh Nguyễn Văn Huy, nhân viên Công ty TNHH Young Jin H-Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy), cho biết: Hiện tại, Công ty có 2 đảng viên là công đoàn viên ưu tú. Chính các đồng chí là những người đã tin tưởng, giới thiệu tôi đi học lớp cảm tình Đảng. Đây là cơ hội để tôi phấn đấu vào Đảng, cùng các đảng viên khác gây dựng TCĐ tại DN.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Huy tâm sự: Trước khi đi học cảm tình Đảng, cũng nhiều người nói với tôi rằng, vào Công ty làm việc để có lương, Đảng không cho các vị tiền thì vào làm gì? Tôi thuyết phục rằng tiền là vấn đề nhưng Đảng là nhiệm vụ chính trị, là lý tưởng. Có lý tưởng thì người ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn”...
Bằng những bước tuyên truyền, vận động khéo léo này, tại nhiều DN FDI, sau khi xem kỹ danh sách đảng viên, nhiều chủ DN thừa nhận đảng viên là những lao động tiêu biểu, chấp hành tốt quy định, tham gia ban chấp hành công đoàn và bước đầu tạo điều kiện cho đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng.
Tạo sự lan tỏa từ hạt nhân điển hình
Là một trong những đơn vị xây dựng và phát triển thành công TCĐ trong DN FDI từ năm 2007, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Wiha Việt Nam - Trịnh Đức Cường chia sẻ kinh nghiệm: Đối với DN có chủ là người nước ngoài, việc xây dựng và phát triển TCĐ rất khó khăn. Chúng tôi phải khẳng định mình là đội ngũ nòng cốt trong sự phát triển chung của DN với những chiến lược cụ thể để vừa phát triển TCĐ, vừa xây dựng hình ảnh đẹp về người đảng viên trong lao động sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, Chi bộ Công ty luôn theo dõi sát sao quá trình rèn luyện, phấn đấu của các đảng viên và quần chúng ưu tú. Nỗ lực của đảng viên trong công tác chuyên môn và xây dựng các mối quan hệ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết hợp lý các tranh chấp trong DN. Từ đó Ban Giám đốc Công ty đã hiểu và tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân trong Công ty tìm hiểu và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Góp phần làm lên thành công từ Chi bộ Công ty TNHH Wiha Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy T.P Sông Công cho biết: Muốn tuyên truyền, thay đổi nhận thức Đảng đối với DN FDI, trước phải trao đổi về công tác quản trị, đầu tư, đồng hành cùng DN, sau mới bàn về công tác Đảng. Thời điểm đó, chúng tôi bằng nhiều kênh khác nhau đã làm cho chủ DN nhận thấy phát triển Đảng là cần thiết, vì đảng bộ, chi bộ trong DN sẽ tham gia xây dựng, thực hiện điều lệ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động và các quy định, quy chế của doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện vi phạm pháp luật, đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, DN và người lao động. Khi chủ DN cho thành lập TCĐ tự khắc các đảng viên, quần chúng sẽ chuyển biến về nhận thức, phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Qua trao đổi với nhiều đồng chí lãnh đạo ở nhiều cương vị khác nhau, chúng tôi nhận thấy rằng, để phát triển Đảng trong các DN FDI trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh cần xây dựng một Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảng viên và thành lập các TCĐ theo lộ trình cụ thể. Nhiệm vụ trước mắt là chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện điều tra, khảo sát số lượng đảng viên trong DN FDI đang sinh hoạt tại địa phương để có giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho họ sinh hoạt theo đúng Điều lệ Đảng quy định. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần thiết lập kênh thông tin theo ngành dọc để nắm bắt tình hình tư tưởng của người lao động, những khó khăn của DN, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Trên cơ sở đó, cấp ủy cơ sở chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức đối thoại giữa người lao động, các tổ chức chính trị - xã hội trong DN với chủ DN và các cơ quan liên quan.
Thêm nữa, hiện nay, nguồn để phát triển đảng viên tại các DN FDI khá dồi dào. Thuận lợi hơn là có nhiều lao động trẻ, tuổi đời từ 18-35. Một bộ phận không nhỏ người lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng có thể bồi dưỡng, giới thiệu và xem xét kết nạp Đảng. Tuy nhiên, tại các DN này mặc dù đã có đủ số đảng viên theo quy định để thành lập lên TCĐ nhưng do họ phần lớn là các đảng viên trẻ tuổi nên chăng Đảng bộ tỉnh nghiên cứu cơ chế cử cán bộ tham gia vào đội ngũ người lao động để xây dựng cơ sở.
Khi đã thành lập được TCĐ cần phải coi trọng việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của chi bộ tại các DN. Đối với những TCĐ đã có cần phải cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện, tính chất, đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Các hình thức sinh hoạt đảng có thể ứng dụng thông tin như Facebook, Zalo, Viber. Tài liệu, nghị quyết, chỉ thị và các văn bản có thể chuyển tới đảng viên qua email và mạng xã hội…
Đối với phát triển đảng viên, các cơ sở Đảng cần chú ý quan tâm đến đối tượng là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, những người làm công tác quản lý DN; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách về chế độ phụ cấp cho cấp ủy viên dưới cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác chuyên trách về Đảng trong các DN nước ngoài…
Nhưng dù nói gì thì bài học kinh nghiệm lớn nhất, mang tính quyết định vẫn là nhân tố con người. Thành lập tổ chức đã khó, bảo đảm cho tổ chức hoạt động thực chất càng khó hơn, tổ chức chỉ hoạt động tốt khi cán bộ ở đó toàn tâm toàn ý và hội tụ đủ năng lực lãnh đạo độc lập.
Đồng chí Nguyễn Đức Lực, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Đề nghị Trung ương bổ sung, quy định rõ trong các văn bản hiện hành của Đảng và Nhà nước về việc tạo điều kiện cho công nhân của doanh nghiệp hằng năm được tham gia học tập chính trị, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Trịnh Đức Cường, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Wiha Việt Nam: Đảng bộ cấp trên phải có chủ trương, tác động vào nhận thức của giới chủ DN để họ thấy rằng thành lập cơ sở đảng chỉ có lợi cho doanh nghiệp.