Những vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phạm pháp hình sự đều đã được các cơ quan tố tụng 2 cấp trong tỉnh xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật dưới sự giám sát của cấp ủy các cấp. Đối tượng phạm tội đã bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, loại bỏ khỏi bộ máy cơ quan Nhà nước và buộc phải thi hành bản án, nhưng hậu quả để lại cho tổ chức và xã hội không thể đo đếm hết, đặc biệt là những vụ án tham ô, tham nhũng…
Hậu quả đầu tiên trong các vụ án CB, ĐV phạm pháp hình sự là khó thu hồi được số tiền bị thất thoát, nhất là các vụ án tham ô, tham nhũng. Tiếp đó là các đơn vị, địa phương có CB, ĐV phạm pháp hình sự bị mất uy tín, thành tích và mất công đào tạo, bồi dưỡng. Đơn cử như Đảng bộ phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) thực sự tổn thất khi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường bị khởi tố do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt và tham ô tài sản, sai phạm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Long cho biết: Thời gian đầu, khi 2 CB chủ chốt của phường bị khởi tố, tình hình địa phương mất ổn định, CB, ĐV và nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều. Nhất là trong các phiên tiếp xúc cử tri, đối thoại, nhiều ý kiến đề nghị nhanh chóng làm rõ hành vi phạm pháp và hình thức xử lý đối với 2 cán bộ nên trên khiến chúng tôi vô cùng khó xử. Đây là sự mất mát, tổn thất lớn nhất của Đảng bộ phường từ khi thành lập đến nay.
Còn tại Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Nguyên từ cuối năm 2017 đến nay mọi thứ gần như đảo lộn; hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, CB, công nhân hoang mang, doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB - Chi nhánh Thái Nguyên, nhiều năm nay không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận vì khoản nợ từ vụ Vi Nghĩa Hà vẫn chưa thu hồi được; một số CB vì nể nang đã đồng phạm cũng bị xử lý khiến người đi chấp hành án, người phải nghỉ việc, cuộc sống trở nên khốn khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Thương hiệu Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB tại Thái Nguyên bị phai mờ, đời sống của người lao động thua kém đồng nghiệp ở các ngân hàng thương mại khác.
Còn tại thủ phủ đất chè Tân Cương, sau những vụ việc CB xã, xóm phạm tội tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, địa phương trở nên rối ren, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xã Tân Cương từ điển hình về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh trở thành điểm nóng về tình hình mất an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp kéo dài, Thành ủy Thái Nguyên phải điều động CB quản lý từ các phòng, ban chuyên môn về làm CB chủ chốt của xã. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh có CB, ĐV vi phạm pháp luật hình sự cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Quá trình xử lý CB, ĐV phạm pháp hình sự cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực đối với cấp ủy quản lý trực tiếp và CB của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Nguyên cho biết: Quy định của Đảng, của pháp luật phải thực hiện nghiêm minh nhưng tâm trạng của những CB trực tiếp họp, tham mưu cho tổ chức ban hành và thực hiện quyết định kỷ luật đối với CB, ĐV phạm pháp hình sự thật sự rất buồn. Nhiều năm làm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, chúng tôi thấy xót xa khi đồng chí của mình vì những cám dỗ mà phạm pháp, tự đánh mất tất cả sự nghiệp của bản thân.
Từ năm 2008 đến nay, cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh đã giải quyết hàng chục vụ án ở nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến CB, ĐV. Trong đó, có tới 161 CB, ĐV của Đảng bộ tỉnh bị khai trừ khỏi Đảng. Người phạm pháp phải chịu án đã rõ, nhưng cơ quan, đơn vị và người thân của họ cũng phải gánh chịu những hình phạt “vô hình”. Ví dụ như cha mẹ, vợ, con, đồng nghiệp của bị cáo Vi Nghĩa Hà (tù chung thân) phải chứng kiến cảnh đơn vị bị giải tán, thay tên, tài sản liên quan bị niêm phong để thi hành án, họ vô tình “mắc nợ” những người thân, bạn bè đã cho bị cáo mượn tài sản để tín chấp vay vốn nay không có khả năng trả nợ, áp lực từ dư luận xã hội.
Bị cáo Lương Văn Cường bị vợ ly dị, tài sản bị niêm phong để thi hành án, nhiều người bị lừa đảo tìm đến cha mẹ của đối tượng đòi nợ, lăng mạ. Người thân của bị cáo Dương Quốc Chính (17 năm tù giam), Chu Quyết Chiến (07 năm tù giam), Lương Quốc Hội (tiếp tục kháng án), Ma Văn Tuân (30 tháng tù giam)… Trước đây, vinh dự, tự hào bao nhiêu thì giờ họ đau khổ, buồn tủi bấy nhiêu. Nhiều gia đình vì kẻ phạm tội mà lâm vào cảnh khốn cùng về kinh tế do bị tịch thu tài sản hoặc buộc thanh lý tài sản để bồi hoàn; phải ly tán đi nơi khác sinh sống.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng có chung tâm trạng như những CB của cơ quan chức năng trực tiếp xử lý các vụ án CB, ĐV phạm pháp hình sự và người thân của họ bởi từng là đồng chí gắn bó, chia sẻ trong công việc, cuộc sống.
Các vụ án liên quan đến CB, ĐV thuộc Đảng bộ tỉnh phạm pháp hình sự thời gian qua đã được xử lý theo quy định của pháp luật, đối tượng phạm tội cũng đã, đang chịu sự trừng phạt nghiêm minh, nhưng qua đây cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy xét, quan tâm. Tại sao nhiều vụ việc vi phạm pháp luật kéo dài vài năm mới vỡ lở? Các đơn vị, địa phương có CB tham ô, tham nhũng, hành vi phạm pháp khác đã nhiều lần kiểm tra, giám sát, thanh tra thường kỳ và đột xuất tại sao không phát hiện kịp thời? Trách nhiệm của cấp ủy cấp trên, cơ quan quản lý trực tiếp ở đâu?
Ông Nguyễn Đức Trường Kháng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khoa Giáo dục Chính trị và Lý luận Mác – Lênin (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đưa ra lý do của những bất cập trên như sau: Chất lượng sinh hoạt Đảng ở tổ chức đảng cơ sở nơi CB, ĐV công tác và nơi cư trú đã, đang có sự qua loa, nể nang, tránh né, không thẳng thắn phê bình và tự phê bình. Tổ chức khi kiểm tra, giám sát chưa thật sự nghiêm túc, quá tin tưởng cấp dưới; bản thân CB, ĐV thiếu tinh thần rèn luyện, tu dưỡng... Tôi đồng tình với việc Trung ương chỉ đạo xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, dứt điểm các vụ án CB, ĐV phạm pháp hình sự và thông báo rộng rãi để nhân dân biết.
Còn khi chỉ đạo về thực hiện về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Đảng bộ tỉnh từ nay đến hết nhiệm kỳ, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cấp ủy các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; văn bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cơ quan chức năng của tỉnh cần kiên quyết xem xét, xử lý đối với CB, ĐV vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm phẩm chất, lối sống, mất đoàn kết.
Khi phải khai trừ, loại bỏ những CB, ĐV phạm pháp hình sự khỏi bộ máy cơ quan Nhà nước cũng như con người phải trải qua ca đại phẫu thuật để cắt đi những khối ung nhọt rất đau đớn. Nhưng đây là cách duy nhất để Đảng bộ tỉnh làm trong sạch đội ngũ, khỏe mạnh, đủ sức lãnh đạo địa phương hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.