Để nâng cao chất lượng quản lý cán bộ, đảng viên đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết là cấp cơ sở. Đi đôi với đó là phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ của người công bộc của dân. Bác căn dặn: “... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đảng viên
Từ những vụ việc đau lòng về tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật trong thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý đảng viên. Đồng chí Vũ Văn Phán, Bí thư Đảng ủy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Sau vụ việc 8 đảng viên bị bắt, truy tố về tội “đánh bạc”, cấp ủy, lãnh đạo Chi cục đã họp nhiều cuộc và rút ra nhiều bài học xương máu đó là phải tăng cường hơn nữa việc nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đặc biệt là những thông tin liên quan đến cán bộ, đảng viên. Hiện, Chi cục có 207 cán bộ, công chức, người lao động nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Văn phòng Chi cục chỉ có 5 phòng, còn 8 hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng và 25 trạm đều nằm ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Nếu không làm tốt công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên thì rất dễ xảy ra các vụ việc vi phạm như trên. Thời gian qua, Chi cục đã tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy chế làm việc của đảng bộ bộ phận, quy định rõ quan hệ của cấp ủy đảng với thủ trưởng đơn vị, các đoàn thể, trách nhiệm trong đó nêu rõ: Thủ trưởng đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo Chi cục nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật như tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội… Đối với các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, các trạm chúng tôi yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác quản lý con người, đi báo việc, về báo công. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có). Mặt khác, quan tâm làm tốt công tác phối hợp giữa cấp ủy nơi công tác với nơi cư trú để nắm bắt tình hình cán bộ, đảng viên, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, vi phạm các quy định (nếu có).
Còn theo đồng chí Dương Trường Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Cấp ủy các cấp phải tăng cường hơn nữa việc quản lý đảng viên “hai chiều” tức là cả 8 giờ làm việc tại cơ quan và 16 giờ ở nơi cư trú, có như vậy mới hạn chế thấp nhất việc cán bộ, đảng viên vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm", "giám sát phải mở rộng", để chủ động phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để phát huy, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha. Cấp ủy, đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát hàng năm phù hợp với địa phương, đơn vị...
Đề cao trách nhiệm nêu gương
Cách đây 6 năm, khi thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó quy định rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện. Ðây là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm.
Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương bàn bạc, thống nhất thông qua tại Hội nghị TW 8 (khóa XII) lần này là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp... Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một quy định mới về vấn đề này. Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát…”.
Lần này Trung ương đã nâng tầm từ quy định của Ban Bí thư lên Quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Từ quy định là cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu nay chỉ rõ là “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Đây là quy định có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị. Theo đó, điểm cốt lõi của dự thảo đề án trình Trung ương lần này là: Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Điều đó cho thấy, hơn lúc nào hết công tác quản lý đảng viên toàn diện đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm nhằm phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên. Làm sao để trong mỗi hành động, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên từ cơ quan đến nơi cư trú mọi người đều có thể học được, chứ không phải là những điều quá cao xa. Hãy bắt đầu từ những việc bình thường trong cuộc sống, trong lối sống của mỗi người. Và chắc chắn những cán bộ, đảng viên có đủ cả “uy” và “tín” chắc chắn là những người thường xuyên nêu gương về mọi mặt. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bởi theo Người “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”…
Lão thành cách mạng Dương Tuấn Phẩm, tổ 3, phường Lương Châu (T.P Sông Công): Tôi nghĩ rằng đã là đảng viên thì phải gương mẫu. Gương mẫu ở đây được hiểu trước hết phải thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tơ hào tài sản của quốc gia, không vi phạm pháp luật, chính sách. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) lần này bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung dự thảo “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng”. Chắc chắn Quy định này cùng với Quy định số 102-QĐ/TW về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm sẽ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Cô giáo Phạm Mỹ Đức, đảng viên Chi bộ Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên): Là một đảng viên trẻ tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, gương mẫu trong công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, tôi đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Ngoài trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tôi cũng quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, tác phong, là tấm gương cho học sinh và đồng nghiệp. Đã là con người không ai có thể toàn diện, song tôi luôn tự soi, tự sửa và nhắc nhở bản thân đã là đảng viên phải chấp hành nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm.