Về xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) trong ngày cuối cùng của năm cũ, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của địa phương này. Tuyến đường trục xã dài trên 4km đang được nâng cấp, mở rộng, người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa… Có được kết quả đó là do đảng bộ xã đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, xuất phát từ thực tiễn của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy xã luôn có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy đã chủ trì các cuộc họp mời UBND, các ban, ngành, đoàn thể đến dự để đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm vừa qua. Từ đó chỉ ra những ưu, khuyết điểm để có hướng chỉ đạo, đề ra chỉ tiêu trong năm tới, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp phụ trách ngành, lĩnh vực, địa bàn để chỉ đạo, vận động, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Tổ chức các cuộc họp mở rộng mời thêm bí thư chi bộ, trưởng xóm, các ngành, đoàn thể liên quan nhằm kiểm tra, nắm bắt quá trình triển khai nghị quyết ở cơ sở để kịp thời xử lý những vướng mắc, tồn tại nếu có. Nhờ vậy, năm 2018 hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của xã đều đạt và vượt so với kế hoạch năm: Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 2.268 tấn, vượt 13%; diện tích trồng chè mới đạt trên 20ha, vượt gần 30%; diện tích trồng rừng mới được 40ha, tăng gấp đôi so với mục tiêu đặt ra; công tác phát triển đảng viên hoàn thành 100% so với kế hoạch; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ở Hòa Bình những năm gần đây, cây chè được coi là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 90% hộ dân của địa phương. Bởi thế, trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Hòa Bình luôn chú trọng việc xây dựng nghị quyết, chương trình hành động phù hợp để phát huy được lợi thế của địa phương như: Chỉ đạo chính quyền xã chủ động tiếp cận các chương trình, dự án trồng chè của tỉnh, huyện để triển khai tại cơ sở; tích cực vận động nhân dân trồng mới, trồng thay thế chè già cỗi bằng những giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Hiện Hòa Bình có 4 làng nghề chè truyền thống, toàn xã hiện có trên 200ha chè, trung bình mỗi năm người dân trong xã trồng mới, trồng thay thế được khoảng 20ha. Nếu như trước đây xã Hòa Bình chưa có sản phẩm chè sạch, thì nay các hộ trong xã đã có ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để chăm sóc chè, chất lượng chè qua đó được nâng lên kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng. Chị Hoàng Thị Như, ở xóm Tân Yên cho biết: Nhà tôi có hơn 5 sào chè, trong đó chủ yếu là chè lai, mỗi lứa được thu khoảng 80kg chè búp khô. Do gia đình luôn chú trọng việc chăm sóc, chế biến chè an toàn nên giá bán chè hiện nay đã tăng được từ 50-100.000 đồng so với trước kia. Mỗi kg chè khô, gia đình tôi bán từ 150-250.000 đồng/kg.
Không chỉ phát triển cây chè, Đảng ủy xã Hòa Bình còn định hướng, khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện các mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển dịch cơ cấu câu trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó chủ yếu là phát triển mô hình cây ăn quả như: nhãn, bưởi, ổi… Nếu như trước kia trong xã chưa có mô hình cây ăn quả nào được trồng với diện tích lớn thì hiện nay trên địa bàn xã đã có hàng chục mô hình cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình bà Ngô Thị Hằng ở xóm Trung Thành, đã quy hoạch gần 1ha đất đồi của gia đình để trồng trên 200 cây nhãn và một số cây ăn quả khác. Đến nay vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ thực hiện tốt công tác lãnh đạo, vận động quần chúng tham gia, nhất là việc đóng góp tiền, công sức xây dựng các công trình cộng đồng. Tiếp tục duy trì, xây dựng 19 tiêu chí đã đạt được để giữ vững xã nông thôn mới. Ngoài những công trình nhỏ đã thực hiện, trong năm 2018, xã Hòa Bình được đầu tư nâng cấp trên 4km đường liên xã, để mở rộng tuyến đường này, đã có trên 200 hộ dân trong xã tình nguyện hiến hơn 22.000m2 đất cho công trình. Cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được phát động sâu rộng. Năm 2018, xã có 6/7 làng được đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu làng văn hóa.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể luôn được Đảng bộ đặt lên hàng đầu. Đảng bộ xã đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo các đảng ủy viên, cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống các xóm theo dõi, giúp đỡ chi bộ và nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…
Bằng việc đưa ra các giải pháp đồng bộ, phát huy tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, xã Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân trên địa bàn dần được nâng lên. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ xã Hòa Bình sẽ tiếp tục khuyến khích nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, thực hiện chương trình phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả tập trung, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để phát triển, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.