Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 10/10/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”, cấp ủy các cấp đã quan tâm, tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác lịch sử Đảng thu được nhiều kết quả.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc từ khâu khai thác, xử lý tư liệu đến biên soạn, hội thảo, thẩm định và nghiệm thu. Đối với cấp tỉnh, năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghiên cứu, biên soạn các cuốn sách: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thái Nguyên”, “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945 - 2020”, “Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936 - 2016”, “Đại đội TNXP 915 - Khúc tráng ca bất tử”, “Hỏi đáp lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”; nghiên cứu, biên soạn bổ sung cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”.
Các ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản được cuốn sách lịch sử truyền thống như: Lịch sử Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (1951 - 2016); Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1946 - 2016; Kỷ yếu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - 15 năm một chặng đường (2003 - 2018).
Như vậy, đến thời điểm này đã có 18/42 sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản được cuốn sách lịch sử truyền thống. Đối với cấp huyện, 5/9 địa phương gồm: Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa, T.P Sông Công đã chỉnh sửa, biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ đến năm 2015.
Cấp xã có 131/180 xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Hiện nay, nhiều xã, phường, thị trấn đang triển khai nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử cấp tỉnh.
Thông qua việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đã góp phần phổ biến nội dung các cuốn lịch sử, đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.