Điều 24, Điều lệ Đảng quy định: “Chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên. Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên”. Tùy điều kiện đặc thù và nhiệm vụ chuyên môn, cấp cơ sở tổ chức các loại hình chi bộ phù hợp. Trong số này, mô hình chi bộ cơ quan (CBCQ) cấp xã và chi bộ quân sự được triển khai tại tỉnh ta một thời gian và qua thực tiễn đòi hỏi cần tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp.
Kỳ 1: Để đảng viên gần hơn với cơ sở
Sau hơn 10 năm thực hiện, mô hình CBCQ xã, phường, thị trấn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, việc giải thể mô hình chi bộ này, đưa đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư để thêm gần dân, sát cơ sở là cần thiết.
Ưu điểm ít, bất cập nhiều
Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW, ngày 10/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập và duy trì mô hình CBCQ cấp xã. Trong quá trình hoạt động đã có những ý kiến khác nhau về mô hình này. Một là đề xuất dừng vì không phát huy hiệu quả, ngược lại còn khiến cán bộ xa rời cơ sở, xa dân, suy yếu chi bộ thôn xóm. Hai là, khẳng định mô hình này phù hợp và đề nghị tiếp tục nhưng cần điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể để tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Một buổi sinh hoạt định kỳ của CBCQ xã Phú Xuyên (Đại Từ).
Ông Đỗ Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) cho rằng, việc thành lập CBCQ cấp xã đã góp phần xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Khi có mô hình này, cán bộ, công chức thuận lợi trong sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ; việc phối hợp công tác, giám sát lẫn nhau giữa các cán bộ, đảng viên cũng sát sao, hiệu quả hơn. Điều này đồng nghĩa với khắc phục được khó khăn trong kiểm điểm và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, so với sinh hoạt tại chi bộ thôn xóm, nhất là với những người không cư trú trên địa bàn khu dân cư. Ví dụ cụ thể như ở Hồng Tiến, CBCQ có hơn 20 đảng viên, đồng chí Dương Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ là Bí thư Chi bộ có nhiều năm được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là chi bộ duy trì sinh hoạt đều và tạo nguồn phát triển đảng viên tốt. Theo ông Cần, bí quyết để có kết quả như vậy là tập trung phân công nhiệm vụ đảng viên, nhất là nhiệm vụ gắn với địa bàn dân cư, lĩnh vực công tác.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ (Định Hóa) nói: Sau một thời gian hoạt động, tôi khẳng định mô hình CBCQ là không phù hợp và bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Cán bộ xã phải là người gắn liền với thôn xóm, nhiệm vụ chính trị chủ yếu cũng trực tiếp với người dân ở địa bàn dân cư. Thế nhưng tách ra sinh hoạt riêng thì đảng viên rất khó nắm bắt tình hình cơ sở nơi mình cư trú. Đó là chưa kể một số nơi buông lỏng việc sinh hoạt, gắn bó với nơi cư trú theo Quy định 76. Thực tế cho thấy, nếu không khéo tổ chức thì các buổi sinh hoạt tại CBCQ rất dễ nhàm chán, không phong phú như ở địa bàn dân cư. Một điểm dễ nhận thấy là có sự chồng chéo, nhất là việc nghị quyết chi bộ có thể “bê nguyên xi” nghị quyết của đảng ủy hay nhiệm vụ của UBND; không tách bạch giữa sinh hoạt Đảng với sinh hoạt chuyên môn, nội dung công tác trùng với đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.
Cho rằng mô hình CBCQ bộc lộ nhiều hạn chế nhưng ông Hà Long Thủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đu (Phú Lương) và ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng (Đại Từ) cũng còn không ít băn khoăn. Đó là nếu giải thể CBCQ để chuyển đảng viên về sinh hoạt tại nơi cư trú thì chi bộ sẽ khó phân công nhiệm vụ; việc đánh giá không thực sự chặt chẽ vì nhiệm vụ họ là chuyên môn ở cơ quan xã. Chưa kể trường hợp thuộc diện luân chuyển hoặc nhà ở địa phương khác thì đưa về chi bộ nông thôn nào cho hợp lý? Quy định thời gian sinh hoạt thống nhất trong tháng, đảng viên đồng loạt về họp tại nơi cư trú cùng một buổi sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân giải quyết thủ tục hành chính. Ông Lê Văn Chung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương cho rằng: Ở khu vực nông thôn, miền núi với đặc thù địa bàn rộng, đảng viên ít thì việc duy trì CBCQ sẽ ảnh hưởng đến chi bộ thôn, xóm - “mắt xích” gần dân nhất. Một số xã để xóa sinh hoạt ghép lại phải thực hiện giải pháp tình thế là tăng cường đảng viên là lãnh đạo, cán bộ ở cơ quan xã về cho đủ điều kiện thành lập chi bộ.
Thực tế từ Định Hóa
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 đề cập nội dung không tổ chức mô hình CBCQ cấp xã. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có công văn hướng dẫn thực hiện nội dung này. Trong khi nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, chần chừ thì Định Hóa là huyện đầu tiên thực hiện các bước thủ tục và đến nay đã cơ bản hoàn thành xong việc giải thể CBCQ cấp xã.
Nói về vấn đề này, ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa cho biết: Quá trình thực hiện chúng tôi không thấy có vướng mắc gì cả. Hướng dẫn của Huyện ủy là sau khi giải thể, đảng viên thuộc CBCQ sẽ chuyển về sinh hoạt tại nơi cư trú hoặc các chi bộ nông thôn thuộc diện yếu, ít đảng viên. Trường hợp cán bộ, công chức xã thuộc diện luân chuyển ở nơi khác tới thì chuyển về chi bộ xóm có trụ sở UBND xã đứng chân.
Là chi bộ ở xóm trung tâm của xã, Làng Há được tiếp nhận nhiều đảng viên nhất khi CBCQ xã Lam Vỹ (Định Hóa) giải thể. Ông Bùi Công Thuận, Bí thư Chi bộ Làng Há thông tin: Chúng tôi được bổ sung thêm 13 cán bộ, công chức xã, gồm cả Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, cùng 2 đảng viên là quân nhân nghỉ hưu. Như vậy tổng cộng Làng Há hiện có tới 40 đảng viên. Ngay sau khi tiếp nhận, ngày 6-4 vừa qua, chi bộ đã tổ chức gặp mặt và sinh hoạt định kỳ. Từ giờ trở đi lịch sinh hoạt cũng được thống nhất từ 25 chuyển sang ngày cuối tuần đầu tiên của tháng để công chức tiện sắp xếp công việc và có thông tin báo cáo lên cấp trên. Về thuận lợi, ông Thuận cho rằng cái được lớn nhất là cán bộ gần dân hơn, thông tin 2 chiều thuận lợi. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên nhanh chóng, có gì chưa thông thì được giải thích ngay. Đảng viên là lãnh đạo xã cũng nắm bắt tốt hơn thông tin ở cơ sở. Tuy nhiên, lúng túng là việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức khó; việc kiểm điểm phê bình và phê bình thường xuyên không thực sự sát bởi Chi ủy không nắm được kết quả công việc chuyên môn ở xã mà nhận xét.
Ý kiến của ông Thuận cũng là băn khoăn của nhiều chi bộ nông thôn ở Định Hóa khi tiếp nhận đảng viên từ CBCQ cấp xã. Theo hướng dẫn, định kỳ hằng năm, đảng ủy chỉ đạo UBND cấp xã chuyển kết quả đánh giá cán bộ, công chức cấp xã của địa phương là đảng viên (bằng văn bản) về chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt, làm cơ sở để chi bộ đánh giá phân loại chất lượng đảng viên. Thực tế cho thấy, mô hình nào cũng có những ưu điểm và hạn chế, điều quan trọng nhất là Đảng phải vì dân. Việc giải thể CBCQ cấp xã là chủ trương của Trung ương và ở tỉnh ta đang bước đầu thực hiện, trong quá trình triển khai rất cần có sự đánh giá, rút kinh nghiệm và hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của cấp trên để đạt mục tiêu cuối cùng là đảng viên gần hơn với cơ sở.
Ông Nguyễn Đức Lực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Công văn số 1045-CV/TU ngày 12/12/2019 của Tỉnh ủy đã nêu rõ, yêu cầu ban thường vụ các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị. Trong đó có nêu không tổ chức CBCQ xã, phường, thị trấn. Thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc phân công cấp ủy viên các cấp theo dõi, phụ trách cơ sở theo phương châm “Cấp ủy tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ; đảng viên cơ sở nắm đến hộ gia đình”.
Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nêu: Hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; mô hình tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo ngành, địa phương một cách hợp lý. Không tổ chức CBCQ xã, phường, thị trấn; đưa đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn về sinh hoạt tại các chi bộ khu dân cư. |
(Còn nữa)