Nhiều người ví von rằng, sự phát triển của xã Hồng Tiến giống như hình ảnh thu nhỏ của T.X Phổ Yên. Từ một vùng đất thuần nông, nơi đây có bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều dự án đường giao thông, sản xuất công nghiệp và khu dân cư được hình thành. Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền nên Hồng Tiến đã tạo được sự đồng thuận lớn từ phía người dân trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.
Ông Đỗ Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến cung cấp cho chúng tôi một vài số liệu để dễ hình dung mức độ thay đổi nhanh chóng của địa phương: Trên địa bàn xã Hồng Tiến hiện có một phần diện của 2 khu công nghiệp (KCN) lớn là Yên Bình và Điềm Thụy. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay có 15 dự án đã và đang triển khai, đáng kể nhất là KCN Yên Bình giai đoạn 1, khu tái định cư Hồng Tiến, đường nối từ Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đến KCN Yên Bình I; khu dân cư Vinaconex 3… Tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng là hơn 400ha, với 1.690 hộ bị ảnh hưởng (chiếm hơn 40% số hộ trong toàn xã).
Để tạo sự đồng thuận của người dân, xã Hồng Tiến đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo ông Nguyễn Viết Đinh, Chủ tịch UBND xã thì công khai minh bạch là một trong những yếu tố quyết định thành công của công tác dân vận. Tất cả các chủ trương, dự án đầu tư mà địa phương thụ hưởng đều được thông báo tại các cuộc họp xóm để người dân đóng góp ý kiến. Quy hoạch chi tiết, phương án đền bù và giải phóng mặt bằng cùng diện tích kiểm đếm được niêm yết công khai tại nhà văn hóa các khu dân cư. Chỗ nào chưa chính xác người dân có thể phản ánh ngay để xác minh lại. Xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền, vận động với thành phần gồm lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, cán bộ công chức là thành viên. Việc vận động thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến một lần chưa được thì đến nhiều lần. Đồng thời phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các xóm; tích cực phối hợp với chính quyền xã vận động người dân cùng đồng thuận.
Việc mở rộng đường tỉnh 261 đoạn đi qua 2 xóm Hắng và Hanh của xã Hồng Tiến vừa qua là một ví dụ điển hình về công tác dân vận. Ông Nguyễn Văn Hướng, Bí thư Chi bộ xóm Hắng dường như còn giữ nguyên cảm xúc ngổn ngang và trăn trở khi nói về quá trình vận động: Cái khó của dự án này là không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân phải hiến đất để mở rộng hành lang, trong khi giá bán mỗi mét vuông ở đây lên tới 5-7 triệu đồng. Thời điểm triển khai cuối năm 2018, nhiều hộ không đồng ý vì diện tích ảnh hưởng lớn, một số thậm chí còn bị tác động của người ngoài nên nhất định không hợp tác.
Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân nên trong những buổi tiếp xúc trao đổi, ông Hướng cùng thành viên trong tổ dân vận đã phân tích rất cặn kẽ. Tuy mất đất là thiệt thòi, nhưng bù lại đường mở rộng, trải nhựa phẳng phiu giúp đi lại thuận lợi hơn. Giá trị phần đất còn lại khi đó cũng cao hơn nhiều mà những hộ ở mặt đường lại được hưởng lợi nhiều nhất. Phân tích càng thuyết phục khi cán bộ, đảng viên và thành viên tổ dân vận tự nguyện hiến đất trước. Nhiều người thấy chí lí mà tự giác thực hiện, từ đó trở thành phong trào đồng thuận trong cả xóm. Ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân xóm Hắng nói: Tôi hiến 30m dài theo dọc trục đường, tính diện tích khoảng 50m2 đất vườn. Mới đầu quả thực có băn khoăn nhưng giờ đường làm xong rồi thì thấy đúng đắn lắm. Mình tuy mất đất nhưng lại chính là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Vì trong thời gian ngắn cùng lúc triển khai nhiều dự án trọng điểm nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, hoặc thắc mắc của nhân dân. Ông Đỗ Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã thông tin: Hầu như tuần nào cũng có 3-4 trường hợp người dân tìm đến trụ sở xã kiến nghị các vấn đề liên quan đến đất đai. Thường là thắc mắc về việc kiểm đếm không đúng, áp giá đền bù sai loại đất hay tranh chấp giữa các diện tích khai phá nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp như vậy, lãnh đạo UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát để điều chỉnh ngay hoặc trực tiếp trả lời công dân. Để tạo sự đồng thuận và hạn chế đơn thư khiếu kiện, từ nhiều năm nay, xã Hồng Tiến thực hiện phân chia địa bàn thành 5 miền dân cư, mỗi miền thực hiện đối thoại ít nhất một lần trong năm. Tại đây, lãnh đạo xã sẽ trực tiếp nghe ý kiến phản ánh, giải quyết các khúc mắc hoặc tổng hợp để kiến nghị lên cấp trên những nội dung không thuộc thẩm quyển xử lý. Người đứng đầu Đảng ủy thực hiện đối thoại với công dân 2 lần/tháng. Ngoài ra, bất kỳ vướng mắc hoặc kiến nghị nào của công dân khi triển khai các dự án cũng được chính quyền địa phương tổ chức trao đổi, đối thoại để giải quyết kịp thời. Ông Cần khẳng định: Địa phương có thể phát sinh nhiều đơn thư, thậm chí có đơn thư vượt cấp thì đó là điều không tránh khỏi, nhưng Hồng Tiến chưa có trường hợp nào phải thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng là việc khó, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Do vậy, công tác dân vận có vai trò rất quan trọng giúp tháo gỡ những “nút thắt”. Từ chỗ nắm chắc tình hình, sẽ có hình thức và cách vận động phù hợp. Vấn đề mấu chốt là yếu tố công khai minh bạch và sự sâu sát, trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Thực tế công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền ở xã Hồng Tiến rất đáng để các địa phương khác tham khảo và học tập.