Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

18:18, 20/06/2019

Ngày 20-6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Theo đánh giá, Nghị quyết đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Báo Thái Nguyên đăng tải lược ghi một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị.  

Liên kết trong phát triển du lịch

Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thái Nguyên đã xác định các loại hình du lịch có thế mạnh, đầu tư phát triển 3 sản phẩm du lịch chủ lực, đó là: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hóa trà; du lịch lịch sử về nguồn ATK Định Hóa liên kết với các khu, điểm du lịch vùng Việt Bắc. Các hoạt động quảng bá, mời gọi đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm chú trọng; liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Để việc liên kết hợp tác phát triển liên vùng đạt hiệu quả cao hơn, đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, cân đối hỗ trợ Thái Nguyên vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia để cùng với các nguồn lực khác đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch; Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát điểm đến, giúp các công ty lữ hành của thành T.P Hà Nội và các tỉnh xây dựng các các tour, tuyến du lịch liên kết và các cơ quan truyền thông tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương trong chương trình hợp tác phát triển du lịch liên vùng.

Đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

 Thiếu tướng Nguyễn Như Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

Xác định đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của vùng, lực lượng công an tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình và tham mưu giải quyết tốt những vấn đề liên quan; triển khai nhiều biện pháp để giải quyết dứt điểm các đối tượng, vụ việc khiếu kiện có hành vi gây phức tạp… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong vùng để quản lý xuất nhập cảnh; đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm ma tuý; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, khoáng sản. Để tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi đề xuất một số nội dung như: Tăng cường chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các tỉnh để bảo đảm an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tốt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên

Đại học Thái Nguyên hiện có 7 trường thành viên, 2 khoa; 1 trường cao đẳng; 1 phân hiệu tại tỉnh Lào Cai và một số viện, trung tâm thực thuộc. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, giai đoạn  2004-2019, chúng tôi tập trung vào 3 nội dung chính là: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; tư vấn chính sách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là sức cạnh tranh của nền kinh tế vùng còn hạn chế, ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm… một trong những nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Với vai trò là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng tôi cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận hành chính sang cách tiếp cận địa - chính trị và mang tính liên vùng. Để triển khai tốt hơn nghị quyết, cần hội tụ 3 điểm cơ bản trong chiến lược của các tỉnh và vùng là: Nhân lực chất lượng cao; các chính sách phải căn cứ vào tư duy khoa học hiện đại và thực tiễn; trường đại học phải là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững của vùng và đất nước.

Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế vùng

Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế

Ngành Y tế Thái Nguyên ghi dấu ấn bằng nhiều kết quả quan trọng, đạt và vượt các mục tiêu ở tất cả các nội dung: Nguồn nhân lực, hệ thống y tế dự phòng; hệ thống khám chữa bệnh; phát triển y tế chuyên sâu được đẩy mạnh… Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng được quan tâm. Để đưa Thái Nguyên trở thành một trong các trung tâm y tế chất lượng cao của vùng Đông Bắc cũng như vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, chúng tôi có một số kiến nghị: Bộ Y tế quan tâm đầu tư cho ngành Y tế Thái Nguyên, đặc biệt là củng cố và phát triển các trung tâm chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, tim mạch, đột quỵ, sản khoa, nhi khoa... và các dự án ứng dụng tin học trong quản lý y tế,  hồ sơ sức khỏe cá nhân; Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển y tế chuyên sâu, khuyến khích thực hiện xã hội hóa y tế; HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển và thực hiện các chính sách về y tế.

Khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế

Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương

Toàn tỉnh hiện  quy hoạch 6 khu công nghiệp với diện tích là 1.420ha; trong đó, có 4 khu đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 7,5 tỷ USD; 35 cụm công nghiệp, với diện tích 1.259ha, có 8 cụm đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 65,2%. Mặc dù đạt được kết quả rất đáng ghi nhận nhưng thực tế sự phát triển về công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ của Thái Nguyên còn dựa nhiều vào các lợi thế, tiềm năng sẵn có như khoáng sản, nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi... Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, vùng nói chung cần quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện triển khai lập Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi phía Bắc giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050 nhằm khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng về tài nguyên đất đai, khoáng sản và đặc biệt là nguồn nhân lực; thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; hoạch định và đầu tư xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng mới. 

Quy hoạch và phát triển đô thị Thành phố Thái Nguyên đồng bộ

Ông  Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên.

T.P Thái Nguyên được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đầu tàu phát triển của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội. Với vị thế đó, không gian đô thị của Thành phố đã được mở rộng, kiến trúc cảnh quan, chất lượng đô thị không ngừng nâng cao. Từ năm 2004 đến nay, T.P Thái Nguyên đã hai lần mở rộng địa giới hành chính. Việc cụ thể hóa quy hoạch thành các chương trình, dự án phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế được triển khai tích cực. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã từng bước hoàn thiện; công trình hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ. Chất lượng cuộc sống người dân đô thị được nâng lên rõ rệt. Để T.P Thái Nguyên xứng đáng là với vai trò đô thị cấp vùng, chúng tôi đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng, giao thông đô thị để tạo cơ sở liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội; sớm ban hành Nghị định hướng dẫn triển khai các dự án BT trên địa bàn. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư và quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung của Trung ương và của tỉnh cho các công trình trọng điểm.

Phối hợp với các địa phương giáp ranh đảm bảo quốc phòng, an ninh

Ông Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa

Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Định Hóa đã chủ động phối hợp với các địa phương giáp ranh trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 12%. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm. Huyện luôn chủ động mở rộng mối quan hệ giữa các huyện giáp ranh để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo an ninh quốc phòng… Đã thành lập 5 cụm an ninh khu vực để phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự khu vực giáp ranh. Thông qua phối hợp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có điểm nóng về dân tộc, tôn giáo; đảm bảo an toàn cho khách trong và ngoài nước đến làm việc và tham quan các địa điểm du lịch trên địa bàn.