Nhiều chuyển biến ở các xóm sau khi sáp nhập

07:48, 03/06/2019

Thực trạng quy mô xóm, tổ dân phố nhỏ lẻ, dân cư không đồng đều đã gây ra sự bất hợp lý trong bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xóm. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng là chủ trương đúng đắn, cần thiết, tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề này, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/HĐND ngày 8/12/2018 về việc nhập một số xóm trên địa bàn. Quà soát trên địa bàn toàn tỉnh có 1.098/3.032 xóm, tổ dân phố (chiếm 36%) phải thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập theo quy định. Qua gần 6 tháng triển khai, việc sáp nhập, kiện toàn các xóm theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/HĐND đã cơ bản giải quyết được những vấn đề đặt ra. 41 xóm không đủ tiêu chuẩn về dân số và diện tích của các xã Yên Lạc (huyện Phú Lương), xã Hóa Trung, xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) và xã Tràng Xá, xã Phương Giao (huyện Võ Nhai) đã được sắp xếp, kiện toàn lại để thành lập 17 xóm mới. Theo đó, từ tháng 1/2019, toàn tỉnh giảm từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 3.008 xóm, tổ dân phố (giảm 24 xóm).

Khi sắp xếp, việc kiện toàn bộ máy cán bộ cấp xóm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới được các địa phương đặc biệt quan tâm. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Xã chỉ đạo các xóm lấy ý kiến nhân dân để tổ chức sáp nhập làm sao cho hiệu quả nhất, chứ không phải bàn, sáp nhập hay không. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn để ý Đảng hợp với lòng dân, để sau sáp nhập, nhân dân đồng thuận chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển… Về công tác cán bộ, các tổ chức đoàn thể ở xóm đã công khai trước đoàn viên hội viên của mình để lựa chọn, lấy tín nhiệm để giới thiệu các chức danh ở xóm mới đối với các tổ chức mình. Từ sự công khai dân chủ trong triển khai, bàn bạc đi đến thống nhất, đội ngũ cán bộ đảng viên đến nhân dân đều tin tưởng đồng thuận cao.

Từ chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền cấp xã, sau gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến nay, mặc dù có những điều kiện đặc thù riêng ở từng địa bàn, tuy nhiên bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định. Nhất là những chuyển biến trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình dân sinh. Đơn cử như việc huy động xây dựng con đường trục xóm dài hơn 1km ở xã Yên Lạc (Phú Lương). Nhờ sự đoàn kết, nhất trí của các hộ dân, sau khi 2 xóm Đẩu và Yên Thịnh, xã Yên Lạc được sáp nhập, con đường khang trang, rộng rãi đã nhanh chóng thay thế con đường đất mang lại niềm vui chung cho nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Quyết Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Đẩu, xã Yên Lạc cho chúng tôi biết: Trước đây 2 xóm chưa sáp nhập việc tham gia đóng góp đối ứng cao, bà con nông dân, điều kiện kinh tế không đảm bảo. Sau khi sáp nhập từ chỗ tăng hộ, trong mỗi công việc từ chỗ một người làm, giờ thành hai người việc đóng góp sức người, sức của sẽ thuận lợi hơn. Làm được con đường bê tông rộng rãi, nhân dân phấn khởi vì đường thông hè thoáng, tạo điều kiện cho việc giao thương phát triển kinh tế.

Thông qua việc sáp nhập vừa qua cho thấy, sức mạnh cộng đồng được nâng lên, người hoạt động không chuyên trách ở các xóm được kiện toàn theo hướng nâng cao năng lực, trách nhiệm của từng cá nhân không chuyên trách ở cơ sở cũng được tinh gọn, qua đó tiết kiệm chi thường xuyên cho ngân sách Nhà nước. Đó là những chuyển biến tích cực sau khi thực hiện sáp nhập các xóm trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn một số vấn đề đặt ra. Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Đẩu, Yên Lạc, Phú Lương: Trước đây theo chế độ chính sách của Nhà nước quy định rõ phụ cấp theo xóm loại 1, loại 2 giờ sáp nhập 2 xóm là một chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách hơi thấp. Còn ông Quách Văn Mai, Trưởng xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), cho biết thêm: Như Hội Nông dân trước đây xóm 130 hội viên, giờ sáp nhập 2 xóm số hội viên gần 300 người nhưng phụ cấp chỉ có 150 nghìn đồng/tháng rất là khó khăn cho đội ngũ không chuyên trách ở cơ sở.

Theo kế hoạch, năm 2019, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập 258 xóm, tổ dân phố thành 189 xóm, tổ dân phố (giảm 69 xóm, tổ dân phố) của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 3 địa phương là: T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và huyện Đại Từ. Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách các xóm trong diện phải sáp nhập, UBND tỉnh đưa vào một trong những nội dung trình kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh tới đây thông qua. Dù vẫn còn những trăn trở, tâm tư, nhưng với lộ trình thực hiện cụ thể, bài bản và khoa học chắc chắn việc sáp nhập các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.