Tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo chí vẫn được xem là mảng đề tài không dễ thể hiện. Từ khâu phát hiện vấn đề, thu thập tư liệu cho đến việc chuyển thể thành tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng đều đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ và sự tâm huyết. Đã có không ít nhà báo thành công ở mảng đề tài vốn được cho là khó, khô và khổ này.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên các ấn phẩm báo chí vẫn còn những bài viết về xây dựng Đảng chưa sắc bén, thiếu thuyết phục, còn nặng về lý luận. Công tác tuyên truyền chủ thiên về kết quả đạt được, thành tựu nổi bật mà ít đi sâu phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, nhất là khi vẫn còn không ít chi, đảng bộ yếu kém, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Các bài viết đấu tranh phản bác những tư tưởng, quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn chưa nhiều. Mặt khác, báo chí vẫn còn thiếu các bài viết mang tính đúc rút chỉ ra bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, đồng thời khắc họa rõ nét hình ảnh người đảng viên tiền phong, gương mẫu ở cơ sở.
Theo chia sẻ của không ít nhà báo thành công ở mảng đề tài này thì cái khó, cái khổ chỉ là lý do mà thôi vì thực chất đây là mảng đề tài rộng, không kém phần phong phú, nếu tâm huyết sẽ khai triển được bài viết hấp dẫn. Thực tế, nội dung không chỉ bó hẹp trong chủ đề xây dựng Đảng mà còn kết nối với các chủ đề khác trong cả hệ thống từ tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận đến các nội dung khác ở cơ sở. Người viết cũng cần mở rộng khuôn khổ đề tài, bởi trên thực tế, Đảng lãnh đạo toàn diện cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Để tăng tính hấp dẫn khi viết đề tài này, nhiều nhà báo cho rằng, thay vì chỉ mô tả sự việc hãy tập trung khai thác yếu tố con người, nhất là những nhân vật có uy tín trong Đảng, trong tổ chức, xã hội và có tác động đến niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Hơn nữa, cần biết mềm mại hóa những vấn đề dễ dẫn đến khô khan, đồng thời có bút pháp sinh động, biết phát hiện và lý giải thấu đáo những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Tại nhiều diễn đàn, không ít nhà báo có chung quan điểm: Người viết cần thấm nhuần nghị quyết chứ không đơn giản chỉ là thuộc nghị quyết. Để có một tác phẩm hay, phải từ nghị quyết soi vào thực tiễn và từ thực tiễn khái quát trở lại nghị quyết. Để có được điều đó, người viết phải bám sát cơ sở, đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm, từ đó phản ánh một cách sinh động nhất cách thức mà nghị quyết của Đảng vào với cuộc sống.
Cùng với chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có bản lĩnh vững vàng, hiểu biết sâu sắc về Đảng, người viết còn rất cần thể hiện tâm huyết với Đảng. Trong một lần phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng Cuộc thi báo chí viết về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Mặc dù khó, khô, khổ nhưng những nhà báo, cơ quan báo chí đã hết sức yêu quý Đảng, dành tình cảm cho công tác xây dựng Đảng. Mong rằng, các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng các cơ quan cùa Đảng tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, nhất là trong tình hình mới hiện nay.