Với tinh thần, vừa đảm bảo tinh gọn về bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa không làm xáo trộn đời sống của nhân dân, việc sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đại Từ đang được tích cực thực hiện với sự đồng thuận cao của người dân.
Khi chưa thực hiện sáp nhập, huyện Đại Từ có tổng số 481 xóm, tổ dân phố ở 30 xã, thị trấn với gần 17 vạn người. Theo rà soát, toàn huyện có 31 xóm có dưới 50 hộ dân, ở 13 xã, thị trấn là: Cát Nê, Vạn Thọ, Phúc Lương, Na Mao, Tiên Hội, Phú Thịnh, Mỹ Yên, Quân Chu, Yên Lãng, Hoàng Nông, Đức Lương, Phú Xuyên và thị trấn Quân Chu. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, huyện đã, đang thực hiện sáp nhập các xóm, tổ dân phố theo 4 bước: Xây dựng đề án; lấy ý kiến cử tri trong khu vực liên quan, trình HĐND huyện để ban hành nghị quyết; UBND huyện ban hành quyết định sáp nhập xóm, tổ dân phố; báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
Theo đó, sau khi có hướng dẫn, UBND huyện đã có các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức sắp xếp, sáp nhập theo quy định, trình tự, đồng thời thực hiện rà soát và xây dựng đề án đảm bảo điều kiện theo quy định, như: Quy mô hộ dân; các xóm, tổ dân phố khi sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề, địa hình không bị chia cắt, giao thông thuận lợi, phong tục tập quán phù hợp, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Việc thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố được huyện thực hiện trong 2 đợt: Đợt 1, huyện đã thực hiện sáp nhập 75 xóm, tổ dân phố (trong đó có 3 tổ dân phố và 72 xóm) thành 36 xóm, tổ dân phố tại 10 xã, thị trấn là: Cát Nê, Vạn Thọ, Tiên Hội, Hoàng Nông, Phú Xuyên, Yên Lãng, Na Mao, Đức Lương, xã Quân Chu và thị trấn Hùng Sơn.
Sau triển khai thực hiện đợt 1, số xóm, tổ dân phố của huyện đã giảm 39 xóm, tổ dân phố. Hiện, huyện đang tiến hành đợt 2 với 87 xóm, tổ dân phố được sáp nhập thành 42 xóm, tổ dân phố tại 16 xã, thị trấn. Đến nay, 4 xã đã hoàn thành các quy trình về sáp nhập xóm và gửi hồ sơ báo cáo UBND huyện là: Mỹ Yên, Khôi Kỳ, Vạn Thọ, Phú Lạc. 5 xã, đã tổ chức họp HĐND để thông qua đề án sáp nhập xóm là: Tân Thái, La Bằng, Bình Thuận, An Khánh, Quân Chu, đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo huyện. 4 xã đã xây dựng đề án và đang tổ chức họp dân để lấy ý kiến nhân dân gồm: Minh Tiến, Phúc Lương, Phú Thịnh, Phục Linh.
Như vậy, sau sáp nhập, huyện Đại Từ sẽ giảm từ 481 xóm, tổ dân phố, xuống còn 397 xóm, tổ dân phố. Điều này đồng nghĩa, sẽ giảm được một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách ở địa phương. Không những thế, đối với một số xóm ít dân, địa bàn rộng, việc huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một vấn đề khó thực hiện được, nhưng nếu được sáp nhập thì việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhân dân sẽ được nhân lên...
Đến nay, cơ bản các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc sáp nhập các xóm, tổ dân phố, xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập để trình UBND huyện, đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Để người dân đồng thuận trong việc thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố, huyện đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, trong đó, trước hết tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các xóm, tổ dân phố. Khi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng thì mới có thể tuyên truyền cho người dân đúng về sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập, từ đó đồng thuận thực hiện.
Theo kết quả lấy ý kiến của các địa phương, về cơ bản người dân đều đồng thuận chủ trương này, nhiều địa phương 100% người dân đều đồng tình, như: Tân Thái, Vạn Thọ, Quân Chu…
Xã Quân Chu có trên 1.000 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, chia làm 19 xóm. Vì địa hình đồi núi cao, dân cư thưa, nhiều hộ chuyển đến sau, nên nhiều xóm ở đây có quy mô số hộ ít. Đồng chí Lê Văn Toản, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cả xã có 2 xóm không thực hiện sáp nhập do ở xa các khu dân cư khác, đó là xóm Đền với 150 hộ dân và xóm Vang với 75 hộ. Còn lại 17 xóm đều có ít hộ sinh sống, điển hình là xóm Hùng Vương, theo hồ sơ quản lý có 11 hộ, nhưng trên thực tế chỉ có 7 hộ thường xuyên ở địa phương; hay xóm Tân Sinh theo hồ sơ quản lý có 18 hộ, nhưng trên thực tế có 7 hộ. 17 xóm này sau sáp nhập sẽ chỉ còn 7 xóm, cá biệt có 4 xóm sáp nhập thành 1 xóm là: Vạn Thành 1, Vạn Thành 2, Hùng Sơn và Hùng Vương.
Hiện nay, toàn huyện còn 3 xã, thị trấn chưa xây dựng đề án là: Tân Linh, Hà Thượng và thị trấn Quân Chu. Nguyên nhân là do, xã Tân Linh đang xây dựng phương án chuyển một số hộ dân ở xóm 2 sang xóm 1 để thuận tiện cho việc sinh hoạt của nhân dân, do đó, UBND xã đề nghị không xây dựng đề án sáp nhập. Đối với thị trấn Quân Chu, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 5-82019 chuyển các xóm thành tổ dân phố, UBND Thị trấn đang xây dựng đề án sáp nhập tổ dân phố. Riêng đối với xã Hà Thượng, theo kế hoạch, xã có 3 xóm phải thực hiện sáp nhập là xóm 2, xóm 3 và xóm 4. Tuy nhiên, do 3 xóm này thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án Núi Pháo. Hiện Công ty Núi Pháo đã đối thoại với nhân dân và ký cam kết sẽ thực hiện đền bù nhân dân trong quý IV năm 2019 và quý I năm 2020. Do đó, UBND xã đã đề nghị để lại, nhằm thuận lợi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Dự kiến thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng xong sẽ thực hiện giải thể 3 xóm.
Với sự tích cực của cấp ủy, chính quyền, các địa phương trong huyện, việc sắp xếp, sáp nhập xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đại Từ đang được thực hiện khá thuận lợi và nhận được sự đồng tình của đa số người dân.