Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Công trường Khu Gang thép (nay là Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) luôn thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, là hạt nhân chính trị, đoàn kết và phát huy được mọi nguồn lực, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu phải tôi luyện tinh thần của người đảng viên: “Cán bộ, công nhân như thép, như gang…”.
Cách đây 60 năm, ngày 24/10/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng bộ Công trường Khu Gang thép (nay là Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) và chỉ định đồng chí Đinh Đức Thiện, Trưởng Ban chỉ huy Công trường Khu Gang thép làm Bí thư Đảng ủy Công trường. Đảng bộ lúc này có 5.000 đảng viên/1,5 vạn cán bộ, công nhân viên (CNV). Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và động viên cán bộ, CNV nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn thử thách để Lò cao số 1 cho ra lò mẻ gang đầu tiên vào sáng ngày 29/11/1963. Đây là mốc son đánh dấu quá trình khắc phục khó khăn dám nghĩ, dám làm với tinh thần tự lực cánh sinh rất cao của trên 2 vạn cán bộ, đảng viên và CNV toàn Công trường.
Tính đến nay, Đảng bộ đã tiến hành 15 kỳ Đại hội. Mỗi một kỳ Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển đi lên của Công ty... Sau 60 năm xây dựng và phát triển, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, Đảng bộ Công ty đã luôn luôn phấn đấu thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình, là hạt nhân chính trị, đoàn kết và phát huy được mọi nguồn lực của Công ty tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hàng năm.
Ngày 1/7/2009, Công ty đã chính thức chuyển mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty đã thích ứng nhanh với mô hình quản lý mới. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Điều hành Công ty, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch hàng năm đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 10-15% so thời kỳ chưa cổ phần hóa.
Một trong những định hướng lớn khi Công ty bắt đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa là thực hiện Dự án giai đoạn II. Tuy nhiên, đúng thời điểm này, nền kinh tế trong nước bắt đầu chịu ảnh hưởng của khủng khoảng tài chính thế giới. Kinh tế trong nước suy giảm, các doanh nghiệp là đối tác của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiều mục tiêu SXKD của Công ty, trong đó có việc triển khai Dự án giai đoạn II. Đặc biệt, trong khi thị trường thép diễn biến phức tạp, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì Công ty lại vướng vào sự cố nợ xấu khi các ngân hàng lớn trì hoãn nghĩa vụ thực hiện thanh toán bảo lãnh các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật… Trong khi Dự án giai đoạn II bị đình trệ gây rất nhiều khó khăn cho Công ty.
Trước những khó khăn trên, được sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Đảng bộ, HĐQT, Ban Điều hành Công ty đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng công tác tập hợp đội ngũ; tuyên truyền vận động cán bộ, CNV và người lao động cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn chung, vượt khó để duy trì ổn định sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thép TISCO trên thị trường và tham gia hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, Đảng ủy, HĐQT, Ban Điều hành Công ty đã chủ trương tăng cường các biện pháp quản lý bằng hàng loạt các quy chế, quy định, đồng thời đề ra các giải pháp tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khí than lò cốc, khí than lò cao, dầu cốc trong lò nung phôi; tự thiết kế, cải tạo, phục hồi các thiết bị phục vụ sản xuất không phải mua mới nhằm tiết giảm chi phí; thực hiện giao khoán tới từng tổ, đội, đơn vị sản xuất; nâng cao trách nhiệm của người quản lý và từng lao động; quản lý chặt chẽ nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng, vật tư; khuyến khích nâng cao năng suất lao động, gắn tiền lương với hiệu quả SXKD… Những giải pháp trên đã góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và duy trì SXKD ổn định.
Ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp lớn của HĐQT, Ban Điều hành trong phát triển SXKD, Đảng bộ Công ty còn quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể. Cụ thể: Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và người lao động xác định tư tưởng vượt qua các thời kỳ khó khăn trong SXKD của Công ty; tổ chức quán triệt các nghị quyết của Trung ương và Đảng bộ cấp trên, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở rà soát, bổ sung xây dựng công tác quy hoạch cán bộ, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục triển khai kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) ở cấp chi bộ, đảng bộ; quan tâm công tác phát triển Đảng…
Phát huy những thành tích đã đạt được sau 60 năm xây dựng và phát triển, để duy trì SXKD ổn định, Đảng bộ Công ty đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Dự án giai đoạn II sau thời gian dài bị đình trệ do nhiều nguyên nhân, đến nay, Chính phủ đã chính thức có chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Công ty nhằm tháo gỡ khó khăn để Công ty tiếp tục triển khai Dự án. Chính vì vậy, Đảng bộ Công ty tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, động viên đội ngũ đồng thuận, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên phát huy sáng kiến, tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, đảng bộ trực thuộc, các tổ chức đoàn thể quần chúng; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Tổng Công ty Thép Việt Nam trong việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty để đưa Dự án giai đoạn II tái khởi động…