Thực hiện tốt công tác dân vận, đưa Thái Nguyên phát triển bền vững

22:35, 14/10/2019

Trong những năm qua, quán triệt tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối công tác dân vận của Ðảng, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác dân vận và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Kết quả công tác dân vận đã góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển nhanh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và của cả nước; đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng mạnh, bình quân 3 năm 2016-2018, đạt 13,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ, trong đó công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 21,1%; năm 2018, đạt trên 670 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước). Giá trị xuất khẩu bình quân 3 năm tăng 16,3%; riêng năm 2018, xuất khẩu đạt trên 25,06 tỷ USD (đứng thứ 4/63 tỉnh, thành). Năm 2018, thu ngân sách đạt 15.023 tỷ đồng (tăng gấp hơn hai lần so với năm 2015), tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 77,7 triệu đồng (gấp 1,51 lần so với năm 2015), cao hơn mức bình quân chung của cả nước; năm 2019, tỉnh phấn đấu tự cân đối thu, chi ngân sách. 

Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã có trên 7.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 86 nghìn tỷ đồng; 132 dự án FDI, tổng số vốn gần 7,7 tỷ USD. Đặc biệt, với tinh thần đổi mới về tư duy, phương pháp, cách làm, tháng 7-2018, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút 44 nhà đầu tư, 62 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 115 nghìn tỷ đồng. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; quan hệ đối ngoại, hợp tác được tăng cường, mở rộng; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nhân lên. Kết thúc năm 2018, đã có 19/19 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt về tiến độ theo thời gian, trong đó có 13/19 chỉ tiêu đã vượt mang tính bứt phá. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích và kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, công tác dân vận ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên; tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế; công tác nắm bắt và dự báo tình hình Nhân dân, dư luận xã hội, công tác thông tin, báo cáo tại một số địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện công tác dân vận còn một số hạn chế.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, từ năm 2016 tới nay, thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường (Định Hóa) đã vận động đóng góp xây dựng được 12 công trình, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Trong ảnh: Nhà văn hóa thôn Bãi Hội được xây dựng với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Ảnh: H.T

Để công tác dân vận thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”, phát huy sức Dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tạo động lực để Nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, cần thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể; tiếp tục tăng cường công tác dân vận gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; giúp Nhân dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và quyền làm chủ theo quy định của pháp luật; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, người có tầm ảnh hưởng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân. Làm tốt hơn nữa công tác dân vận của chính quyền, trọng tâm là làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, hướng về cơ sở, gần Dân, vì Nhân dân phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận phục vụ triển khai thực hiện các dự án, công trình đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.

Bốn là, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, phản ánh, giải quyết kịp thời có hiệu quả yêu cầu chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, nhất là những vấn đề thiết thực của đời sống, liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng. Huy động sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới; đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn Dân, không để phát sinh “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KTXH trên địa bàn.

Năm là, quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe; vận động và giúp Nhân dân giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng dân cư. Tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn Dân. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Sáu là,chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện công tác dân vận, trong đó có việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về công tác này; tăng cường kiểm tra, giám sát việc rèn luyện đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ Nhân dân; tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận, sự thân thiện, gần Dân, trọng Dân và vì Dân… Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc những biểu hiện xa Dân, vô cảm, cửa quyền, hách dịch và vi phạm kỷ luật trong quan hệ với Nhân dân.

Bảy là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận, đoàn thể vững mạnh, “đủ tâm”, “đủ tầm” để “nói Dân hiểu”, “làm Dân tin”. Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng tăng cường vai trò nêu gương, gần Dân, sát Dân, hiểu phong tục tập quán, hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào, nghe Dân nói, nói Dân nghe, tích cực, chân thành, kiên trì, thận trọng, tế nhị, chắc chắn và hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.