Phong trào thi đua “Dân vận khéo” những năm qua đã được cấp ủy, chính quyền huyện Phú lương quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 568 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng trên các lĩnh vực.
Yên Lạc là một trong các xã đặc biệt khó khăn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xã hoàn thành 15 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến năm 2019, xã đã đạt chuẩn NTM. Hiện, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 34 triệu đồng (tăng gần 9 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,4% xuống còn 4,74%. Thống kê của xã cho thấy, 3 năm qua, đã có hàng trăm hộ dân hiến trên 10.700m2 đất các loại và tài sản trên đất trị giá 2,3 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Riêng phong trào làm đường bê tông và xây mới, sửa chữa nhà văn hóa các xóm, nhân dân đã đồng thuận, đóng góp đối ứng 3 tỷ đồng (tiền và ngày công lao động). MTTQ và các đoàn thể vận động nhiều nguồn hỗ trợ được gần 2 tỷ đồng, xóa 51 nhà dột nát trên địa bàn.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng: Chúng tôi đã thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, nêu cao sự đoàn kết của các chi bộ, trách nhiệm của người đứng đầu, coi trọng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Không riêng ở xã Yên Lạc, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM đã mang lại hiệu quả tích cực ở các xã, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 10/13 xã đạt chuẩn NTM (về đích trước một năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra). Ba năm qua, huyện huy động được trên 221 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp gần 31 tỷ đồng và hiến 13ha đất xây dựng các công trình phúc lợi.
Bà Hà Thị Hường, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương cho biết: Thời gian qua, phong trào “Dân vận khéo” đã được cấp ủy đảng, hệ thống chính trị trên địa bàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, bài bản từ huyện đến cơ sở, gắn với Chỉ thị số 05CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc xây dựng mô hình được định hướng bám sát vào yêu cầu thực tiễn và những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Nhờ đó, các mô hình “Dân vận khéo” sau khi hình thành đã hoạt động tích cực, hiệu quả.
Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế toàn huyện đã xây dựng được 87 mô hình “Dân vận khéo”, như: Mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc; mô hình trồng chè an toàn trong nhà kính ở xã Vô Tranh; vùng sản xuất lúa nếp Vải ở xã ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Trạch; trồng rau, hoa, quả an toàn ở xã Động Đạt, Phấn Mễ, Phủ Lý, ôn Lương; chăn nuôi gia trại, trang trại ở xã Cổ Lũng, Động Đạt, thị trấn Đu; mô hình trồng rừng và khai thác, chế biến lâm sản ở xã Yên Lạc, Yên Đổ, Phủ Lý…Từ việc triển khai hiệu quả các mô hình đã góp phần cùng toàn huyện giảm được 2,4% hộ nghèo, vượt 0,43% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Cũng bằng những cách làm hay, mô hình khéo, huyện Phú Lương đã tháo gỡ những “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã giải phóng mặt bằng thực hiện 22 công trình, dự án với tổng diện tích đất được thu hồi là trên 146ha, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ người dân trên 439 tỷ đồng.
Bên cạnh kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được triển khai sâu rộng các mô hình “Dân vận khéo” như: “Dân vận khéo, sống tốt đời đẹp đạo”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”... Thông qua các mô hình đã đẩy mạnh phong trào xây dựng xóm, bản, khu dân cư, cơ quan văn hóa, qua đó, hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 650 nhà đại đoàn kết, nhà tạm, nhà dột nát với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng.
Với nhiều cách làm sáng tạo, những mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực an ninh trật tự lại khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân như: “Xóm tự quản về an ninh trật tự”, “ Tổ an ninh tự quản”, “Đảm bảo an ninh trật tự, vận động đồng bào dân tộc Mông không tin, không theo các đạo lạ, tà đạo và tổ chức Dương Văn Mình”… Đối với lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã triển khai hiệu quả các mô hình: “Dân vận khéo trong cải cách các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa” của xã Hợp Thành; mô hình “Dân vận khéo trong xây dựng hệ thống chính trị” tại xóm Bò 1, xã Phấn Mễ; “Dân vận khéo trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên” của xã ôn Lương…
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Phú Lương sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh “Dân vận khéo” trong công tác cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…