Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”

10:34, 16/03/2020

Thông qua các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Trở lại xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), chúng tôi ngỡ ngàng khi xóm “khoác” lên mình một màu áo mới. Đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông rộng rãi, đến tận các nương chè, tạo điều kiện cho việc sản xuất và giao thương của người dân. Trên 90% số hộ đã đưa các giống chè mới vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của xóm năm 2019 là 46 triệu đồng/người/năm (cao hơn mặt bằng chung của các xóm trong xã 20%). 

Ông Đặng Văn Sử, Bí thư Chi bộ cho biết: Xác định rõ kinh tế có phát triển, đời sống người dân được nâng lên thì các hoạt động khác mới tốt lên được, Chi bộ đã ban hành các nghị quyết sát với tình hình thực tế, tổ chức lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Cụ thể, Chi bộ đã thành lập Tổ dân vận khéo gồm 10 thành viên do Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận làm Tổ phó. Bám sát nhiệm vụ được phân công, các thành viên trong Tổ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè; sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng theo đúng quy trình, liều lượng; thu gom các chai lọ, vỏ bao bì để đúng nơi quy định. 

Nếu như Tổ dân vận xóm Cà Phê 1 quan tâm tập trung vận động người dân quan tâm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thì Tổ dân vận xóm Trung Thành, xã Dương Thành (Phú Bình) tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng chí Tạ Bích Thu, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khẳng định: Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể xóm luôn xác định phải xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, “dân vận khéo” là một trong những giải pháp then chốt có tính chất quyết định. Thành công của mô hình “Dân vận khéo” ở xóm Trung Thành còn có  sự  vào cuộc tích cực của các đoàn thể,  các  hội quần chúng với các mô hình, như: Chi hội Phụ nữ với mô hình “Vệ sinh môi trường”; “CLB Phụ nữ tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”; Chi đoàn Thanh niên với mô hình “Tuyến đường Thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch đẹp”; “Xóm không có ma túy”; Chi hội Nông dân với mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi”... 

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6.496 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Có thể khẳng định, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2009 đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp tổ chức 16 hội nghị, biểu dương gần 1.000 điển hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo, sống tốt đời đẹp đạo” trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục, các phóng sự về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Cũng chính từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần làm chuyển biến và nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh.