Người dân bản Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) vẫn gọi anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ bằng biệt danh như thế. Với họ, anh Tài chính là người đã “khai sáng” để bà con thực hiện nếp sống mới, loại bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay… Đặc biệt hơn, anh chính là người đã vận động thành công nhiều hộ dân ở bản Mỏ Chì hạ sơn; đưa giống lúa lai vào sản xuất…
Tiên phong trồng giống lúa lai
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tài không quên nhắc lại những ngày đầy gian khó của 27 năm về trước, khi gia đình anh cùng hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Mông từ vùng đất Quang Trung, huyện Hoà An (Cao Bằng) về đây lập bản. Anh bảo: Hồi ấy, đường đi lại khó khăn lắm, để vào được bản phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Sau này, được sự quan tâm của Nhà nước, người dân Mỏ Chì chúng tôi đã định canh, định cư bắt tay vào phát triển kinh tế, từng bước đưa cây ngô lai vào trồng thay thế giống ngô cũ để mong vượt qua đói nghèo.
Dù vậy, điều kiện canh tác không thuận lợi chính là “rào cản” khiến cho đời sống của người Mông Mỏ Chì mãi chưa hết khó. Vì lẽ đó, năm 2006, đảng viên (2 năm tuổi Đảng) Hoàng Văn Tài là người tiên phong hạ sơn để thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, con trẻ đến trường, giúp gia đình anh có điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi…
Rời xa nơi đã từng gắn bó suốt 13 năm không phải là chuyện dễ dàng, nhưng với sự quyết đoán, chỉ chưa đầy một năm, gia đình anh đã ổn định sản xuất và quay trở lại vận động bà con làm theo. Sau đó, nhiều hộ dân trong bản cũng đã theo anh hạ sơn. Nay, bản có 149 hộ thì có tới 50% số hộ đã hạ sơn, dựng nghiệp nơi vùng đất mới.
Không chỉ tiên phong hạ sơn, anh Tài còn là người Mông Mỏ Chỉ đầu tiên đưa giống lúa lai vào gieo cấy (ngay sau khi hạ sơn). Anh cho hay: Người Mông mình quanh năm trồng ngô nên khi bắt tay vào sản xuất lúa rất lúng túng. Nhiều hộ lựa chọn giống lúa địa phương đã thoái hóa để gieo cấy vì họ cho rằng giống lúa này đã “quen” với “mùi vị” đồng ruộng nơi đây nên năng suất rất thấp. Thấy mình gieo cấy giống lúa lai, bà con ai cũng ngạc nhiên. Người thì cho rằng thâm canh giống lúa lai đòi hỏi kỹ thuật cao; có người lại nói lúa lai cho loại gạo không ngon… Mặc bao lời bàn tán, mình vẫn mạnh dạn cấy 3 sào lúa lai. Đến khi thu hoạch, thóc chất đầy bồ, nhiều người lại tìm đến nhà học hỏi kinh nghiệm. Giờ thì trong bản, cứ ai có ruộng là nhà ấy cấy các giống lúa lai như Nhị ưu 838, VL20… Vụ mùa vừa qua, năng suất của 7,6ha lúa trong bản đã đạt xấp xỉ 48 tạ/ha, cao hơn 15 tạ/ha so với hơn chục năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ bởi ngoài thu nhập từ 22ha ngô (năng suất đạt khoảng 43 tạ/ha) thì số thóc thu được đã giúp người dân Mỏ Chì không còn lo thiếu đói vào những ngày giáp hạt.
Anh Hoàng Văn Tài luôn tiên phong trong phát triển kinh tế ở địa phương. Ngoài cấy lúa, trồng ngô, gia đình anh còn chăn nuôi trâu thương phẩm mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.
Vận động bà con thực hiện nếp sống mới
Từ tháng 9-2009, Chi bộ Mỏ Chỉ được tách ra từ chi bộ xóm Tân Sơn, anh Hoàng Văn Tài, đảng viên đầu tiên của bản được bầu làm Bí thư Chi bộ. Trong vai trò là người đứng đầu, anh Tài đã đóng góp một phần công sức không nhỏ trong việc vận động người dân nơi đây thực hiện nếp sống mới. Anh bảo: Trước đây, người Mông chúng mình còn nhiều hủ tục lắm. Nhất là tình trạng tảo hôn; người chết để hàng tuần trong nhà; sinh nhiều con. Khi ốm đau, bà con không đi ra trạm xá khám bệnh; nhiều phụ nữ mang thai tự sinh con tại nhà…
Thực tế này khiến anh Tài rất trăn trở. Vì thế, không chỉ vận động người dân trong bản thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, anh Tài còn đến từng nhà vận động mọi người cùng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, quý trọng bố, mẹ, anh em... Ngoài việc tuyên truyền để bà con hiểu và đến trạm y tế khám, chữa bệnh khi ốm đau; phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế... anh còn vận động các bà mẹ đưa con đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo Chương trình tiêm chủng mở rộng; mỗi cặp vợ - chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con; cho con đi học, không để con bỏ học; sống tập trung, ổn định và làm việc chăm chỉ... Đối với việc cưới, anh vận động các gia đình tổ chức đám cưới trên cơ sở nam nữ yêu nhau và tự nguyện, đủ tuổi theo quy định của pháp luật, phải đăng ký kết hôn tại UBND xã; bỏ những hủ tục lạc hậu, không để em, anh cùng dòng họ lấy nhau, một người không được lấy 2 vợ trở lên; tổ chức đám ma tiết kiệm; duy trì các lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Mông.
Nhờ có sự đóng góp tích cực của người Bí thư chi bộ ấy mà giờ đây, bản Mông Mỏ Chì đã đổi thay nhiều. Bà con dân bản đã tích cực hưởng ứng thực hiện theo nếp sống mới, đời sống được nâng lên, các gia đình không phải ăn mèn mén nữa. 130/149 hộ mua được xe máy, 120 hộ có ti vi, 1 hộ mua được ô tô, nhiều hộ đã sắm được các loại máy móc phục vụ sản xuất... Đáng nói là tình trạng tảo hôn đã giảm; bản không có trẻ em suy dinh dưỡng; trẻ em trong bản đến tuổi đều được đi học. Nay, cả bản đang có 200 trẻ được đến trường, trong đó có 20 người đã học hết cấp THPT, 4 người đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng…
Dù đã có những đóng góp không nhỏ với cộng đồng người Mông Mỏ Chì nhưng Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài vẫn luôn khiêm nhường. Với anh, cuộc sống người dân no ấm, hạnh phúc mới chính là điều khiến anh mừng vui nhất.