Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Để thực hiện thắng lợi 16 chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2015-2020, huyện Phú Bình xác định công tác cán bộ là khâu then chốt quyết định mọi thành công.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa 26, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công công chức, viên chức, hợp đồng lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Từ mục tiêu của Nghị quyết, Ban Tổ chức Huyện ủy đã chủ động khảo sát, đánh giá, rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ; làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sắp xếp, sử dụng, bố trí cán bộ theo quy hoạch. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn gắn với những lĩnh vực trọng tâm, trọng yếu của huyện. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Huyện ủy đã cử 40 đồng chí đi học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; 130 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị; 739 đồng chí được bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng; 2.235 người được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn thể và 589 người học tin học, ngoại ngữ chứng chỉ A trở lên. Cùng với việc chọn cử đi đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, huyện còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học các lớp chuyên môn để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa cán bộ…
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng tại huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo sát sao việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo từng đối tượng, chức danh cụ thể. Đặc biệt là lựa chọn những chuyên đề mang tính thời sự, cấp thiết, như: Giáo dục đạo đức cách mạng; công tác dân tộc, tôn giáo; hội nhập kinh tế quốc tế… để đưa vào chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ cơ sở. Với những giải pháp cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết, trình độ của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên đáng kể. Cụ thể, về trình độ chuyên môn đối với 2.759 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện: 47 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 1,70% (tăng 1,35%); 1.821 người có trình độ đại học, chiếm 66% (19,48%); 662 người có trình độ cao đẳng, chiếm 23,99% (tăng 1,74%). Về trình độ lý luận chính trị: 151 người có trình độ cao cấp, cử nhân, chiếm 5,47% (tăng 1,45%); 733 người có trình độ trung cấp, chiếm 26,56% (tăng 10,77%). Đặc biệt là Ban Tuyên Giáo Huyện ủy, Liên đoàn Lao động huyện có tới 60% số cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn thạc sĩ và cao cấp lý luận chính trị.
Đối với 1.780 người hưởng phụ cấp từ ngân sách huyện, trong đó có 233 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cũng được nâng lên một bước. Về chuyên môn: 89 người có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 38,19% (tăng 22,99%); 61 người có trình độ trung cấp, chiếm 42,91% (tăng 19,72%). Về lý luận chính trị: 97 người có trình độ trung cấp, chiếm 41,63 (tăng 31,37%). Trong số 233 người hoạt động không chuyên trách cấp xã có 27 người được tuyển dụng vào công chức và bầu giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các đoàn thể chính trị cấp xã, tiêu biểu như Đảng bộ xã Lương Phú, Tân Đức, Thanh Ninh, Tân Hòa, Nga My, Thượng Đình….
Với những giải pháp cụ thể, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng, người hoạt động không chuyên trách trong toàn huyện được nâng lên cả về chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã cơ bản khắc phục được tình trạng bị động, hẫng hụt do thiếu nguồn cán bộ kế cận. Song song với đào tạo, huyện đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã luân chuyển được 11 lượt cán bộ về các xã. Hầu hết các xã có cán bộ luân chuyển đã từng bước thay đổi phương pháp, lề lối làm việc, chất lượng quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân được nâng lên.