1. Hiểu đúng về phát triển con người và chất lượng nguồn nhân lực
Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), quan niệm về phát triển nguồn nhân lực gồm: “Phát triển nhân tính và khả năng của con người; sử dụng có hiệu quả khả năng ấy”. Như vậy, quan niệm hiện đại đã tiếp cận đúng xu hướng “phát triển” tiềm năng sẵn có của con người, chứ không dùng chữ đào tạo - thường được hiểu bó hẹp trong giáo dục nhà trường. Có 2 cặp phạm trù cần dùng đồng thời trong cụm từ phát triển nhân lực, đó là “phát triển” và “sử dụng”. Do vậy, việc việc sử dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố tác động mạnh đến chiến lược phát triển con người. Để đánh giá đầy đủ đóng góp của nguồn lực chất lượng cao vào tăng trưởng hay phát triển bền vững là điểm khó, nhưng chắc chắn là chất lượng con người quyết định chất lượng tăng trưởng.
Trong nội dung văn kiện đều hướng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) rất cụ thể, GRDP (tốc độ tăng trưởng kinh tế) bằng những con số ấn tượng… Tuy nhiên, một chỉ số phát triển quan trọng, là đích cuối cùng cần đạt đến, đó là mục tiêu phát triển người - ít được đề cập, mặc dù mục tiêu này bao trùm các chỉ tiêu và các giải pháp. Chất lượng của tăng trưởng phải lấy mục tiêu phát triển con người làm trọng tâm, cơ bản, do vậy phải đặt chỉ tiêu HDI (Human Development Index) trong chiến lược. HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Đây là cách tiếp cận nhân văn, là đích đến của mọi giải pháp chiến lược, chỉ rõ trình độ phát triển con người.
2. Mô hình kinh tế phù hợp, đặc sắc
Để góp phần làm rõ nét đặc sắc trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn tới, cần quan tâm các vấn đề: Bối cảnh “bất thường” như khủng hoảng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều tình huống mới. Cần phải tính toán có thể tăng trưởng về lượng ở một điểm này và giảm ở một điểm khác để tạo sự “cân bằng” trong môi trường phát triển của cả hệ thống. Việc áp dụng mô hình kinh tế nào phải tính đến bài toán tổng thể. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự phù hợp. Trong bối cảnh khủng hoảng lớn từ đại dịch COVID-19 thì việc trở lại nhu cầu về hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ cuộc sống của con người và hạn chế chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ là quy luật đúng của việc tôn trọng giá trị cơ bản.
3. Điều kiện cơ bản để phát triển bền vững
Trong dự thảo văn kiện, chỉ nhắc đến việc phối hợp với Đại học Thái Nguyên. Nếu đặt ra vấn đề sử dụng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, thì cần xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, thành phố thông minh hay không? Điểm đặc sắc và khác biệt của Thái Nguyên với khu vực trong cạnh tranh quốc tế sẽ là gì? Chúng ta có lợi thể trung tâm vùng, gần sân bay quốc tế, cách Thủ đô Hà Nội hơn hơn một giờ xe chạy; Thái Nguyên là trung tâm giáo dục đại học thứ 3 cả nước; có nhiều nét đặc sắc văn hóa dân tộc, trung tâm kháng chiến lịch sử ATK… Do vậy, phải thay đổi cách tiếp cận đối với giáo dục đại học. Chỉ có giáo dục mới mang lại sự phồn vinh cho xã hội, phát triển đất nước bền vững, giải phóng cho con người, nâng cao hạnh phúc cho cộng đồng, và giá trị văn hóa của nó.
Đại học Thái Nguyên là trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ lớn, có sứ mạng dẫn dắt liên vùng, hội tụ ba điểm cơ bản trong chiến lược của các tỉnh và vùng, đó là: Nền tảng nhân lực chất lượng cao; chất lượng của các chính sách phải căn cứ vào tư duy khoa học hiện đại và thực tiễn; trường đại học phải là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững của vùng và đất nước. Đại học Thái Nguyên (bao gồm 7 trường thành viên và 2 khoa trực thuộc) đã có những đóng góp lớn cho phát triển vùng và của tỉnh Thái Nguyên hơn nữa thế kỉ qua.
4. Chiến lược phát triển “nhanh” hay phát triển “bền vững”?
Trong văn kiện dự thảo của Đảng bộ tỉnh giai đoạn mới, chủ đề Đại hội nên trọng tâm vào cụm từ “phát triển bền vững”. Phát triển nhanh có thể chỉ tập trung vào chỉ số kinh tế (dễ đo tính), còn bền vững chứa đựng sự phát triển tổng thể hài hòa về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. “Phát triển bền vững có nghĩa là cả ba khía cạnh chủ yếu liên quan tới đời sống của nhân loại là kinh tế, xã hội, môi trường phải được tổng hòa, kết hợp, lồng ghép khi có thể và được cân đối một cách có hiệu quả qua các chính sách, cơ chế, công cụ và qua quá trình thực hiện chính sách”. Theo đó, để phát triển bền vững cần đảm bảo 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, trên nền tảng là phát triển nhân lực chất lượng, sử dụng hợp lý, cân bằng.
Như vậy, trước những bất ổn khó lường trong suy thoái kinh tế, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, việc lựa chọn mô hình phù hợp với vùng, miền, nhất là miền núi vốn khó khăn về nguồn lực tài chính... Mô hình kinh tế đặc sắc của tỉnh được kết hợp hài hòa giữa kinh tế và môi trường, với văn hóa và sinh thái bền vững… phải là điểm nhấn trong giai đoạn tới.