Nên có quyết sách cụ thể để kinh tế tư nhân trở thành động lực

09:01, 22/04/2020

Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), tôi có vài ý kiến đóng góp như sau:

Về tổng thể, dự thảo Báo cáo chính trị đã khái quát khá đầy đủ bức tranh chung và kết quả cụ thể của việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, dự thảo văn kiện đã đưa ra 16 mục tiêu chủ yếu và giải pháp thực hiện các mục tiêu này ở từng lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh tế đã xác định tập trung phát triển kinh tế tư nhân, song cần đưa ra được những giải pháp cụ thể hơn. Theo tôi, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp lớn trong thu ngân sách, tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững cho tỉnh Thái Nguyên. Đây là kết quả của một loạt các chỉ thị, nghị quyết đúng đắn của Đảng bộ tỉnh như: Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn có những điểm nghẽn. Trước hết là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khả năng tích tụ nguồn lực của khu vực này thấp.  Khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối diện với khó khăn trong huy động vốn do thị trường vốn kém phát triển; lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp, trong khi đó chi phí nhân công lại gia tăng liên tục trong những năm gần đây. Đáng quan ngại là doanh nghiệp tư nhân ít đầu tư cho đổi mới, công nghệ.

Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế như khẳng định tại dự thảo Báo cáo, tôi cho rằng cần tập trung xóa bỏ những điểm nghẽn sau:

Một là, tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển và tập trung tăng năng suất lao động. Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Đây là một chủ trương đúng đắn cần tập trung thực hiện để thu hút các nguồn lực trong dân vào nền kinh tế, tạo ra những bước thay đổi mạnh mẽ về chất ở các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm thực tiễn ở doanh nghiệp, tôi thấy rằng sau cổ phần tại nhiều doanh nghiệp, nhà nước vẫn giữ tỷ lệ vốn lớn 30%, 50%, thậm chí là 90% rất khó đưa vào áp dụng các phương thức quản trị hiện đại theo nguyên tắc thị trường OECD. Những doanh nghiệp chuyển đổi thực chất, có sự lớn mạnh về quy mô và chất lượng tăng trưởng sau cổ phần hóa sẽ góp phần vào việc tăng năng suất cho địa phương.

Hai là, tập trung vào đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm: Chúng ta cần đặt trọng tâm chính sách vào việc tạo điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn thay vì chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Muốn vậy, chúng ta cần phải có những cải cách dài hạn, cụ thể là phải tạo ra được cơ chế khuyến khích học tập và đổi mới sáng tạo toàn diện. Trước mắt là những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hiện đại hóa trong các ngành công nông nghiệp, tập trung hơn vào cạnh tranh và giảm điều tiết thị trường, chính sách phát triển doanh nghiệp cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ.

Ba là, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Theo một khảo sát của VCCI tại Thái Nguyên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu thiệt thòi hơn. Có 42% doanh nghiệp được hỏi đồng ý với nhận định rằng “chính quyền địa phương dường như ưu tiên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn là việc phát triển khu vực tư nhân trong nước”. Việc cần làm ngay trước mắt là phải nhận diện và đánh giá lại một cách chính xác về quy mô và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó có những giải pháp căn bản để tạo ra những chính sách thuận lợi cho sự phát triển của khu vực này.

Với sứ mệnh của mình, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng là cầu nối giữa Đảng và chính quyền tỉnh với tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân của Thái Nguyên. Sẵn sàng tổ chức đào tạo, truyền thông để cộng đồng doanh nhân không ngừng nâng cao nhận thức về chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh quốc tế. Đồng thời sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nhân địa phương để báo cáo kịp thời với lãnh đạo các cấp, tạo thêm một kênh thông tin hữu ích giúp Đảng và Nhà nước xây dựng các chính sách và quyết sách trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân…