Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ khóa XX, tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung đã nêu.
Đặc biệt, báo cáo đã làm rõ những chỉ tiêu cơ bản về bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm vừa qua rất toàn diện. Tuy nhiên, tôi nhận thấy vấn đề bình đẳng về giới, sự quan tâm về đội ngũ nữ công nhân lao động và cán bộ nữ công còn đề cập mờ nhạt. Đây là một nội dung quan trọng thực hiện Chỉ thị 21- CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2019, phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới) nhưng phụ nữ thường làm những công việc nặng nhọc, lương thấp hoặc có mặt nhiều trong vùng kinh tế phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp. Đối với tỉnh Thái Nguyên, những năm gần đây, số lao động nữ tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao (doanh nghiệp may, điện tử Samsung...). Có thể thấy, phụ nữ gần như có mặt trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đại, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, việc học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tri thức trong nữ giới ngày càng tăng lên... Đó chính là một trong những kết quả rất đáng ghi nhận mà Nghị quết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện thắng lợi.
Thiết nghĩ, trong báo cáo cần có đánh giá cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Cần xác lập hệ thống chỉ tiêu giới rõ ràng, không chung chung để phấn đấu. Thực hiện bình đẳng giới cần sự đồng bộ giữa nhiều giải pháp từ pháp luật đến đạo đức để xóa dần khoảng cách về giới.