Sau khi được nghiên cứu dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bản thân tôi nhất trí cao với những nội dung đã được đề cập.
Nội dung báo cáo chính trị đã đánh giá khá toàn diện, sâu sắc về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm; những bài học quan trọng được rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Về cơ bản, nội dung Báo cáo có đề cập đến các vấn đề liên quan đến công nhân như: giải quyết việc làm cho người lao động, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển kinh tế tư nhân... Thái Nguyên đang phát triển theo hướng công nghiệp, lực lượng công nhân hiện vào khoảng trên 220 nghìn người (chiếm khoảng 15% dân số). Vì vậy, tôi cho rằng dự thảo Báo cáo cần quan tâm đề cập thêm đến một số vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của công nhân, người lao động trên địa bàn để Đại hội bàn thảo.
Thứ nhất là vấn đề đảm bảo chính sách, chế độ cho người lao động. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2019. Lĩnh vực lao động được đề cập đến là một trong 7 lĩnh vực chính trong các cam kết của Hiệp định. Trong đó, các cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động; tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động... Thái Nguyên đang trên đường phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, vì vậy, tôi cho rằng đây là những vấn đề cần được quan tâm, bàn thảo tại Đại hội và nếu có thể, cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể.
Thứ hai là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân các khu, cụm công nghiệp. Như đã đề cập ở trên, lực lượng công nhân chiếm tỉ lệ không nhỏ trong cơ cấu dân số của Thái Nguyên. Hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân đã được cấp ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn các cấp quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mức thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Hiện nay, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp xây dựng được các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân như: Nhà tập thể thao đa năng; nhà sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ đời sống cho công nhân như: Nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế... còn thiếu. Với những người lao động trực tiếp như chúng tôi, đây là vấn đề cần sớm được bàn thảo, giải quyết.
Thứ ba là vấn đề đầu tư các dự án nhà ở công nhân. Trong khi tỉnh ngày càng phát triển, quỹ nhà ở đô thị tuy gia tăng đáng kể nhưng nhà ở dành cho người lao động tại các khu công nghiệp tập trung còn hạn chế. Trong khi đó, các công trình nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Công nhân lại là lực lượng có thu nhập từ mức thấp đến trung bình, không đủ điều kiện mua nhà tại các đô thị. Để đáp ứng nhu cầu “an cư” của công nhân, theo tôi, việc đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân là vấn đề cấp thiết cần có sự chỉ đạo, định hướng của Đảng để giải quyết.
Bản thân tôi hiểu rằng, trong khuôn khổ nội dung Báo cáo không thể diễn giải đầy đủ và cụ thể hết về những vấn đề liên quan đến công nhân. Tuy vậy, tôi mong muốn các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống công nhân được quan tâm, để người lao động yên tâm sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.