Nghiên cứu thực tế tại các địa phương, đơn vị chúng tôi nhận thấy còn không ít đảng viên, tổ chức đảng cơ sở chưa nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc việc đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội đảng các cấp. Thậm chí có những chi bộ không phổ biến nội dung dự thảo các văn kiện đại hội Đảng đến cán bộ, đảng viên; không tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý mà giao cho một đảng viên dựa theo hướng dẫn làm “tổng hợp ý kiến” để báo cáo trước đại hội… Có đảng viên cho rằng: Xây dựng văn kiện đại hội Đảng do tiểu ban văn kiện gồm những đồng chí có năng lực, am hiểu về các lĩnh vực của đời sống xã hội, có trình độ lý luận chính trị... Dự thảo lại được tổ chức nhiều lần góp ý trong cấp ủy, các tổ chức có liên quan, nên rất hoàn chỉnh, không cần phải nghiên cứu, đóng góp ý kiến nữa…
Trước mỗi kỳ đại hội, Đảng ta luôn chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cấp tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào văn kiện của đại hội. Việc lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước; thông qua đó, phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời qua việc đóng góp ý kiến với tổ chức đảng giúp các cấp ủy đảng nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, góp ý vào văn kiện đại hội đảng các cấp là rất cần thiết để đảm bảo sự đồng thuận giữa “ý Đảng” với “lòng dân.”
Thiết nghĩ, cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở cần nghiên cứu để nhận thức đúng, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên để hướng dẫn tổ chức đảng trực thuộc và đảng viên nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp. Tham gia góp ý vào văn kiện đại hội đảng các cấp là thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của tổ chức đảng và mỗi đảng viên. Việc nghiên cứu dự thảo văn kiện trình đại hội đảng các cấp không chỉ dừng lại ở tham góp ý kiến, tập trung trí tuệ trong toàn Đảng mà thông qua việc nghiên cứu, mỗi đảng viên, tổ chức đảng nhận thức rõ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Từ đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa qua: “Quan trọng nhất là đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng…”, sẽ quyết định đến thắng lợi trong tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội sau này. Thông qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình đại hội đảng các cấp sẽ bồi đắp kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ đảng viên, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Đồng thời, từ sự nhận thức đúng đắn đường lối chính trị mà mỗi đảng viên sẽ làm tốt vai trò tiên phong trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng trước các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch trước mỗi kỳ đại hội đảng các cấp.