Quy kỳ là xã 135, một trong những địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2015-2020, Quy Kỳ tuy vẫn là một xã nghèo nhưng đã có những chuyển biến tích cực. Lựa chọn đúng mục tiêu trọng tâm và có kế hoạch triển khai phù hợp giúp xã vùng cao này đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ai từng có dịp đến Quy Kỳ cách đây vài ba năm nay trở lại sẽ nhận ra ngay một sự thay đổi lớn, đó là giao thông đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Không chỉ tuyến liên xã được nâng cấp, mở rộng, đường giao thông vào những xóm xa nhất như Khuôn Câm, Khuôn Tát, Đăng Mò… cũng đều cơ bản được đổ bê tông theo chuẩn nông thôn mới. Theo thống kê, từ năm 2015 tới nay, Quy Kỳ thực hiện tới 19 công trình giao thông nông thôn với với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó người dân đóng góp đối ứng 2,6 tỷ đồng và hiến 5.200m2 đất.
Thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quy Kỳ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Đảng ủy xã xác định, giao thông phải đi trước một bước để làm tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội. Với xuất phát điểm thấp nên cách làm của xã là ưu tiên vận dụng các nguồn lực, nhất là vốn Chương trình 135 và dự án thành phần thực hiện Quyết định số 1134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để là đường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận, linh hoạt cách làm ở từng công trình cụ thể để huy động sức dân. Tuyến đường trục chính dài 1.000m ở Nà Áng là một ví dụ. Khi chưa sáp nhập, thôn này chỉ vẻn vẹn có 40 nóc nhà, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo. Để giảm bớt áp lực đóng góp, Chi bộ nơi đây đã xây dựng nghị quyết chỉ đạo chia phần đối ứng thành nhiều đợt. Năm 2018, dù chưa có dự toán kinh phí cụ thể nhưng thôn thống nhất tạm thu mỗi hộ 1 triệu đồng. Ai có điều kiện nộp trước, khó khăn hơn thì nộp sau. Số tiền chưa sử dụng này được gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Ông Nông Đình Thắng, một hộ dân Nà Áng cho biết: Cách làm vậy giúp hộ nghèo không phải đóng một lần số tiền lớn. Dự kiến làm tới đâu, mở rộng ra sao được cắm mốc trước để các hộ chủ động hiến đất.
Với hơn 90% số hộ sống dựa vào nông nghiệp nên thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng được xác định là nhiệm vụ quan trọng ở Quy Kỳ. “Thế mạnh của Quy Kỳ là đồi rừng. Nghị quyết chung của cả nhiệm kỳ cũng định hướng đẩy mạnh kinh tế đồi rừng, gắn sản xuất với các cơ sở chế biến sản phẩm” - Ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã nói. Điều này thể hiện rõ nhất trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Trong giai đoạn 2015-2020, Quy Kỳ giữ ổn định diện tích trồng lúa nước, cây rau màu; diện tích chè tăng không đáng kể lên 14,9ha; cây ngô thậm chí giảm tới 126,2ha. Thế nhưng, diện tích rừng trồng mới lại đạt tới 797ha, bằng 318,9% so với chỉ tiêu đề ra. Riêng diện tích trồng quế đạt 365,5ha. Hằng năm, địa phương cấp phép khai thác ổn định 4.000m3 gỗ và hàng chục nghìn cây tre, nứa làm hàng hóa. Là lãnh đạo địa phương nhưng cũng tự nhận mình là nông dân khi trồng chuyển đổi gần 1ha keo sang trồng quế, ông Hồng cho rằng: Điều kiện thổ nhưỡng ở Quy Kỳ rất phù hợp với cây quế; huyện Định Hóa cũng triển khai dự án trồng quế từ năm 2015 với nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho người dân nên rất thuận lợi. Như với nhà tôi, sau hơn 3 năm đã có nguồn thu nhờ việc tỉa bán cành và lá. Dự ước sau 15 năm trồng và chăm sóc tốt, mỗi 1ha quế khi khai thác toàn bộ có thể cho thu nhập 500 triệu đồng, cao hơn nhiều lần các cây lâm nghiệp khác.
Theo rà soát, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, Quy Kỳ cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức 7/11 chỉ tiêu của nghị quyết đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu đáng khích lệ là: Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt 3,3% (chỉ tiêu là 2%/năm); sản lượng lương thực đạt 2.500 tấn; thu ngân sách bình quân năm tăng 18-20%. Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì Quy Kỳ vẫn nằm trong nhóm nghèo nhất của huyện Định Hóa: Thu nhập bình quân mới đạt 24 triệu đồng/người/năm; hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới (thuộc nhóm thấp nhất tỉnh). Bí thư Đảng ủy xã Lưu Đức Hồng trăn trở: Phân tích nguyên nhân hạn chế thì có cả khách quan và chủ quan, nhưng chúng tôi thừa nhận chủ quan vẫn là chính. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới sẽ rất nặng nề, Đảng bộ xã đặt quyết tâm khắc phục những hạn chế, kiên trì định hướng lấy hạ tầng nông thôn làm nền tảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế với chủ lực là cây lâm nghiệp gắn với chế biến để nâng cao giá trị; triển khai nhiều hơn các mô hình sản xuất hiệu quả để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao bền vững mức sống cho người dân.