Ý thức được trách nhiệm chính trị của mình trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Báo Thái Nguyên đã tổ chức cuộc thi báo chí về chủ đề này. Cuộc thi được trao giải đúng vào dịp sinh nhật Bác hằng năm, vừa là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ Người, vừa tạo sức lan tỏa, phát huy và tôn vinh những việc làm hay, hành động đẹp, những tấm gương điển hình trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.
Cuộc thi báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019 được Báo Thái Nguyên phát động từ ngày 1/5/2019 đến ngày 30/4/2020. Sau 1 năm, Cuộc thi đã thu hút 38 tác giả, nhóm tác giả tham gia thi với hơn 100 tác phẩm đã được đăng tải, trong đó có 95 tác phẩm báo in, 7 video clip đăng trên báo điện tử.
Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị của những người làm báo, các tác giả tham gia Cuộc thi đã tập trung tuyên truyền về những tập thể, cá nhân điển hình, cách làm hiệu quả, thiết thực trong việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các đề tài, nhân vật của Cuộc thi năm nay thuộc nhiều ngành, lĩnh vực công tác khác nhau, trong đó có những tập thể, cá nhân là nhân tố mới ở cơ sở. Cùng với đó, các tác giả cũng đầu tư hơn trong khâu khai thác, cách xử lý thông tin, tư liệu và thể hiện tác phẩm, để có những bài viết chất lượng. Các tác phẩm phần lớn được thể hiện ngắn gọn, đảm bảo tính trung thực. Qua đó, những công việc, cách làm thiết thực, hiệu quả đã tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt trong cộng đồng. Đa số tác phẩm dự thi viết về các cá nhân có phẩm chất tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Nổi bật là tác phẩm "Ánh sáng của bản” của tác giả Huệ Dinh, Báo Thái Nguyên. Qua tác phẩm này, độc giả đã biết đến Bí thư Chi bộ bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) Hoàng Văn Tài - người đã “khai sáng” để bà con thực hiện nếp sống mới, loại bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay… Đặc biệt hơn, anh chính là người đã vận động thành công nhiều hộ dân ở bản Mỏ Chì hạ sơn, đưa giống lúa lai vào sản xuất, nâng cao đời sống dân bản. Nhà báo Huệ Dinh cho biết: Tôi được làm quen với anh Tài từ 15 năm trước rồi. Suốt thời gian qua, tôi luôn dõi theo anh và rất vui vì những gì anh đã làm được cho bản người Mông còn nhiều gian khó này. Ở anh, tôi luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào, thứ “ánh sáng” trong trẻo thắp lên cho bản người Mông những gam màu tươi sáng. Khi đặt bút viết về anh, hình ảnh cánh đồng lúa lai xanh mát mắt; những ngôi nhà sàn xinh xắn; bao khuôn mặt tươi vui… nơi bản người Mông Mỏ Chì lại ùa về mang lại cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác. Điều khiến tôi tâm đắc nhất ở người Bí thư Chi bộ này là dù đã làm được nhiều việc đầy ý nghĩa như thế, nhưng anh luôn khiếm tốn và đặt biệt, người đảng viên ấy lúc nào cũng “đặt” Đảng và Bác trong tim.
Hay như tác phẩm “Chàng trai 9x say mê với nông sản sạch” của tác giả Nguyên Ngọc, Báo Thái Nguyên. Nhân vật trong bài viết là một thanh niên trẻ - chàng kỹ sư nông nghiệp Hoàng Đình Lập, xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến (Định Hóa). Sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hoàng Đình Lập được lựa chọn tham gia chương trình thực tập sinh tại Israel. Sau khi kết thúc chương trình, em không ở lại nơi đô thị phồn hoa mà quay trở về vùng quê nghèo để lập nghiệp. Trải qua nhiều nỗ lực, em đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả an toàn, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con vùng núi.
Nhà báo Nguyên Ngọc chia sẻ: Trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu về nhân vật, chính những khát vọng, đam mê mãnh liệt, dám nghĩ, dám theo đuổi ước mơ của em đã truyền cho tôi thêm nhiệt huyết được cống hiến hết mình cho nghề mình đã lựa chọn. Sau khi tác phẩm được đăng tải, mô hình của Lập đã được nhiều người biết đến, được tỉnh hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất; ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng nhất là qua tấm gương của Lập, nhiều thanh niên có thể soi vào học tập, có thêm niềm tin để theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.
Bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên của cơ quan Báo Thái Nguyên, Cuộc thi lần này còn thu hút được nhiều cộng tác viên tham gia như tác giả Cao Khánh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Định Hóa với tác phẩm “Học Bác từ những điều bình dị”. Anh cho biết: Đây không chỉ đơn thuần là sân chơi cho những người làm báo, mà là cuộc thi mang ý nghĩa chính trị lớn, tôn vinh và lan tỏa những điển hình, từ đó góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, đơn vị.
Ngoài phản ánh những điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, còn có nhiều tác phẩm tuyên truyền về cán bộ, công chức, viên chức trong việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng... Bên cạnh sự phong phú về đề tài, chất lượng các bài viết cũng được nâng cao. Để có những tác phẩm như vậy, đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đã đầu tư nhiều thời gian, công sức về các xóm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thực tế trải nghiệm để lấy tư liệu. Từ đó phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến của các địa phương, cơ quan, đơn vị để biểu dương, nhân rộng, phản ánh khí thế, tinh thần hưởng ứng sôi nổi trong thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, góp phần vào công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Cũng thông qua Cuộc thi nhằm rèn luyện phẩm chất đạo đức người làm báo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.