Từng bước xây dựng thương hiệu chè Phúc Xuân

08:56, 11/05/2020

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung nâng cao giá trị của cây chè. 

Ông Trần Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã tự hào: Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhờ các giải pháp đồng bộ, xã đã từng bước xây dựng thương hiệu chè Phúc Xuân, đẩy mạnh phát triển chè hữu cơ, an toàn và chất lượng cao, giúp thu nhập của người trồng chè cải thiện. Giá trị sản phẩm chè trên 1 ha đất canh tác của xã tăng từ 80 triệu đồng (năm 2015) lên 295 triệu đồng (năm 2019). 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung vào cây chè. Cụ thể hóa nghị quyết, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi diện tích chè giống cũ sang giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chế biến chè, đẩy mạnh hoạt động của các làng nghề chè. Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho trên 2.300 lượt người dân, chủ yếu về kỹ thuật sản xuất, chế biến chè hữu cơ, chè an toàn. 30% số hộ làm chè cũng đã chủ động mua các giàn tưới tiết kiệm (5 năm trước, chưa đến 10% số hộ sử dụng thiết bị này). Chị Đinh Thị Giang, cán bộ khuyến nông xã Phúc Xuân cho biết: Các hộ làm chè đều sử dụng máy hút chân không để đóng gói bảo quản sản phẩm chè, cung cấp cho thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.

Xã Phúc Xuân có 7 làng nghề chè truyền thống; một hợp tác xã sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ (diện tích 25ha), sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế; một tổ hợp tác trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 10ha); tiến tới, xã sẽ hướng các hộ dân sản xuất chè trên địa bàn đều theo hướng hữu cơ bền vững.

Hiện nay, tổng diện tích chè của xã là 330ha được trồng chủ yếu bằng các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao, như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên... Tổng sản lượng chè bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn chè tươi/năm, doanh thu ước đạt 94 tỷ đồng/năm. Việc phát triển các mô hình chế biến chè hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của xã đạt 40 triệu đồng/ người/năm (tăng 16 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ); hộ nghèo của xã chỉ còn 37 hộ (chiếm 2,43%), giảm 1,64% so với đầu nhiệm kỳ (xã phấn đấu hết năm nay sẽ giảm xuống còn 1,5%).

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã xác định tiếp tục tập trung phát triển cây chè. Theo đó, xã đề ra giải pháp xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết hộ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cây chè; phấn đấu giá trị sản phẩm trên 1ha chè đạt 400 triệu đồng trở lên, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm.