Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

14:17, 02/06/2020

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh được đặc biệt quan tâm. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm được thống nhất trong toàn tỉnh theo hướng gắn liền với yêu cầu sử dụng và công tác quy hoạch cán bộ. Tập trung đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn theo quy định về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị (LLCT).

Những năm qua, tỉnh đã chủ động phối hợp với các học viện mở các lớp cao cấp LLCT, cử cán bộ đi học theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương. Trong 3 năm (2016-2019), cấp ủy các cấp đã cử 10.241 cán bộ tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn và LLCT (trung cấp, cao cấp, cử nhân): Cấp tỉnh 2.690 cán bộ, cấp huyện 4.344 cán bộ, cấp xã 3.207 cán bộ. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, chính quyền, quản lý Nhà nước cho 39.992 cán bộ gồm: 5.635 cán bộ cấp tỉnh; 10.035 cán bộ cấp huyện và 24.322 cán bộ cấp xã.

Thông qua công tác rà soát quy hoạch hằng năm, cấp ủy các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện để những cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, LLCT, có cơ hội phát triển. Khảo sát tại một số đảng bộ, cơ quan, chúng tôi nhận thấy, các cấp uỷ đã triển khai thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đến thực hiện chính sách cán bộ, trong đó hai khâu quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực.

Về công tác quy hoạch cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các tổ chức cơ sở Đảng đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025 để làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời hằng năm trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ, đã rà soát, bổ sung quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Đảng bộ T.P Thái Nguyên là một trong những Đảng bộ đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng tốt yêu cầu công việc được giao. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 đến nay, 26 đồng chí lãnh đạo cấp phòng, ban và tương đương trở lên đã được cử đi học cao cấp LLCT; 300 học viên lớp trung cấp LLCT do Trường Chính trị tỉnh phối hợp tổ chức. Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Thành phố cũng mở trên 180 lớp bồi dưỡng LLCT và chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 15.000 lượt học viên. Đến nay, 100% cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban của Thành phố có trình độ chuyên môn từ đại học, trình độ LLCT từ trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, phường hiện 100% có trình độ chuyên môn và LLCT từ trung cấp trở lên (trên 88% có trình độ chuyên môn đại học).

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Đối với Đảng bộ huyện Phú Bình, thời gian qua, Huyện ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Từ mục tiêu của Nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Huyện ủy đã cử 170 đồng chí đi học cử nhân, cao cấp, trung cấp LLCT; 3.603 đồng chí tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng, đoàn thể, tin học, ngoại ngữ. Trong đó có 233 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trình độ chuyên môn, LLCT cũng được nâng lên một bước: Về chuyên môn 89 người có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 38,19% (tăng 22,99%); 61 người có trình độ trung cấp, chiếm 42,91% (tăng 19,72%); về LLCT 97 người có trình độ trung cấp, chiếm 41,63% (tùng 31,37%).

Tiêu biểu trong công tác quan tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải kể đến Đảng bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh (VKSND) thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, VKSND tỉnh đã chọn, cử những cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và LLCT. Mặt khác, Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tỉnh đặc biệt chú trọng đào tạo tại chỗ bằng việc phân công kiểm soát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp công chức mới tuyển dụng hoặc kiểm sát viên, kiểm tra viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm. Thường xuyên tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, triển khai các chuyên đề nghiệp vụ, sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao trình độ, năng lực của công chức. VKSND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho 109 đồng chí là lãnh đạo, kiểm sát viên, kiểm tra viên và chuyên viên. Hiện nay, VKSND tónh có 33 đồng chí có trình độ thạc sĩ luật (đạt 16%); 1 đồng chí có trình độ thạc sĩ kinh tế (đạt 0,5%); 155 đồng chí có trình độ cử nhân luật (đạt 75%); 8 đồng chí có trình độ đại học khác (đạt 4,3%); 1 đồng chí có trình độ cao đẳng (đạt 0,53%); 8 đồng chí có trình độ trung cấp (đạt 4,8%). Về LLCT, có 26 đồng chí có trình độ cử nhân và cao cấp LLCT, 85 đồng chí có trình độ trung cấp LLCT.

Đối với các đơn vị thực hiện chức năng đào tạo như Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị, những năm qua các đơn vị này đã tích cực đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng thiết thực, hiệu quả, giảm lý luận, tăng thực tiễn. Số lượng cán bộ, đảng viên được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, LLCT ngày càng tăng giúp cán bộ nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.