Lạm bàn về bệnh “sính bằng cấp”

16:09, 05/06/2020

Trong chuyến đi thực tế tại địa phương ở huyện T., chúng tôi may mắn được tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong báo cáo sơ kết do Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy trình bày, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của một cơ quan...

Hay quá, tôi nghĩ đây là nội dung cần được tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Vì là vấn đề thời sự, nên trong lúc Hội nghị nghỉ giữa giờ, tôi quyết định tìm gặp người đứng đầu cơ quan nói trên để tìm hiểu ngay. Sau khi giới thiệu, tôi đề nghị đồng chí cho biết cơ quan đã xây dựng các giải pháp cụ thể như thế nào để có được kết quả đào tạo, bồi dưỡng như trong báo cáo của huyện nêu.

Anh liền trả lời, viết bài để tuyên tuyền thì tốt, nhưng thực tế không hoàn toàn như báo cáo nêu… Nhiều cán bộ đăng ký theo học chương trình đào tạo trên đại học, văn bằng đại học thứ 2, thứ 3, lớp bồi dưỡng này, lớp bồi dưỡng khác…, nhưng chẳng liên quan gì đến vị trí việc làm của họ. Tôi cũng đã hỏi một vài người vì sao không đăng ký học đúng chuyên môn, chuyên ngành theo nhiệm vụ được phân công thì nhận được câu trả lời chung là học chủ yếu để lấy bằng cấp, học nhiều chuyên ngành thì đi đâu cũng phù hợp. Còn những anh đi học lý luận chính trị thì chỉ chăm chăm vào tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm chức vụ này, vị trí kia…

Ra thế. Vậy là vẫn còn đó cán bộ, đảng viên mắc bệnh “sính bằng cấp”, chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết số 26-NQ/TW của Đảng.

Thiết nghĩ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao - ngang tầm nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị... Để có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được công nhận bằng bằng cấp không có con đường nào khác là phải đi học ở trường, lớp, bậc đào tạo. Song không thể đánh đồng giữa việc có bằng cấp cao thì phẩm chất, năng lực sẽ cao; không phải cứ học cao thì đã ngang tầm nhiệm vụ và có uy tín. Không phải cứ trải qua nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng thì đã có phẩm chất, năng lực và uy tín, mà phần nhiều còn do rèn luyện trong thực tiễn công tác và không ngừng tự trau dồi, tu dưỡng mà có. Nếu như các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; mỗi cán bộ, đảng viên không “sính bằng cấp” thì đã không có chuyện như cơ quan, tổ chức đảng nói trên.