Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới

09:31, 05/06/2020

Triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào sản xuất tăng... tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực, sáng tạo, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ chính của ngành. Qua đó, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 của ngành Nông nghiệp và PTNT:

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,5%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 4%/năm);

- Đến năm 2020, có 72% số xã đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu 70%);

 - Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53%, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu trên 50%);

- Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%, đạt mục tiêu Nghị quyết.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực ngành. Nhờ vậy, đã tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng một số công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi như: sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống điều khiển bán tự động; công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều kiển bán tự động; kỹ thuật canh tác thủy canh, giá thể; phương pháp thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); sử dụng giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng; công nghệ sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ.

Cụ thể, các vùng trồng chè tập trung của tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất. Đến nay, tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng tốt chiếm 74,2% diện tích; có trên 80% diện tích chè được ứng dụng từ 2 đến 3 tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chế biến; diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tự động, bán tự động trên toàn tỉnh đạt trên 4.700 ha. Giá trị sản phẩm sau chế biến trên 1 ha chè đạt 250-300 triệu đồng, ở một số vùng chè đặc sản đạt từ 450-600 triệu đồng.

Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi trên 6.000 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như rau, hoa, cây màu, chè, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng gạo tốt được đưa vào sản xuất; các giống lúa đặc sản của địa phương được phục tráng, củng cố thương hiệu đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Hiện nay, diện tích lúa chất lượng cao, đặc sản chiếm trên 30% tổng diện tích, giá trị sản phẩm trên 1ha cao hơn 1,3-1,5 lần so với sản xuất đại trà.

Trên địa bàn tỉnh cũng hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn ở các xã: Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân (T.X Phổ Yên); La Hiên, Tràng Xá (Võ Nhai); Tiên Hội, Quân Chu (Đại Từ)... Một số vùng trồng cây ăn quả đã ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, bao quả, thụ phấn bổ sung; đồng thời ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tới xoay, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP và truy xuất nguồn gốc nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm quả, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trồng mới gần 30.000 ha rừng, trong đó 80% diện tích được trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi được tập trung phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 798 trang trại chăn nuôi, cung ứng khoảng 40% tổng sản lượng thịt hơi các loại; hầu hết các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường. Trong đó khoảng 225 trang trại ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ đàn bò lai toàn tỉnh đạt 55%; đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng đạt 70%; tỷ lệ các giống gà lông màu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, giá trị cao đạt 75%; giống thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao chiếm 70%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại huyện Phú Bình, Định Hóa; vùng chăn nuôi lợn tại T.X Phổ Yên, Phú Bình; vùng chăn nuôi bò tại huyện Định Hóa, T.X Phổ Yên, Phú Bình...

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến tháng 6- 2020, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn, chiếm 72% tổng số xã (tính cả 4 xã lên phường, thị trấn). Có 3 đơn vị cấp huyện là T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 7 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu.

Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tiến hành rà soát, xác định rõ cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh, từ đó quy hoạch, xác lập các vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, tập trung dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả thấp, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực thực hiện và nâng cao Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM./.