Những năm gần đây, có hiện tượng đảng viên (ĐV) khi về hưu không chuyển sinh hoạt Đảng, viện lý do “trốn” sinh hoạt chi bộ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của không chỉ cá nhân ĐV mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng. Để phát huy vai trò của đội ngũ ĐV hưu trí đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo báo cáo của cấp ủy các địa phương, hiện nay hầu hết ĐV hưu trí trở về địa phương sinh hoạt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong các hoạt động ở địa phương. Nhiều ĐV đã trải qua 30, 40 năm công tác với các vị trí từ thấp đến cao trong hệ thống chính trị của Đảng, song đến khi nghỉ hưu vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở cơ sở, thậm chí có đồng chí còn phục vụ thêm được tới 15, 20 năm. Đặc biệt, đội ngũ này đã có những đóng góp quan trọng, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đô thị, nông thôn mới.... Tinh thần trách nhiệm, sự nêu gương của ĐV hưu trí đã tạo niềm tin, sự lan tỏa để quần chúng nhân dân noi theo.
Trên thực tế, thời gian qua, công tác chuyển sinh hoạt Đảng cho ĐV hưu trí có nơi còn lỏng lẻo. Việc thực hiện các khâu, quy trình chuyển sinh hoạt Đảng chưa nghiêm. Việc ghi phiếu báo hồ sơ tới nơi chuyển ĐV sinh hoạt có nơi thực hiện còn qua loa, đại khái dẫn tới thực trạng còn một số ĐV không nộp hồ sơ, tự ý bỏ sinh hoạt Đảng. Có khi ĐV cư trú một nơi nhưng đến lúc về hưu lại xin chuyển hồ sơ Đảng đi sinh hoạt nơi khác (ví dụ nhà ở thành phố nhưng xin chuyển về quê...) mà chưa có xác nhận của cấp ủy nơi chuyển đến của ĐV.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm d, Mục 6.3, Điều 6, Quy định 29-QĐ/TW: “Khi chuyển sinh hoạt Đảng chính thức cho ĐV, cấp ủy nơi ĐV đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho ĐV trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức Đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đảng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”. Vì vậy, hầu hết chi bộ đều giao cho ĐV tự cầm hồ sơ để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, dẫn tới “kẽ hở” trong công tác quản lý ĐV khi một số trường hợp thiếu tính tự giác, cầm hồ sơ gốc về nhà lưu giữ chứ không nộp cho tổ chức cơ sở Đảng cấp trên nơi có thẩm quyền để chuyển sinh hoạt Đảng.
Để quản lý tốt hồ sơ ĐV hưu trí, chấn chỉnh tình trạng ĐV hưu trí bỏ sinh hoạt, cơ quan chức năng nên nghiên cứu khép kín quy trình chuyển sinh hoạt Đảng.
Dù vì bất cứ lý do gì thì hiện tượng ĐV hưu trí bỏ sinh hoạt Đảng hay lạm dụng quy định miễn sinh hoạt Đảng để trốn tránh, thoái thác nhận nhiệm vụ đều chứng tỏ tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm chưa cao. Đây chính là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.
Đội ngũ ĐV hưu trí của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng là lực lượng rất quan trọng, đóng vai trò nòng cốt của chi bộ ở các địa phương. Đây là đội ngũ có trí tuệ, kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác, có trình độ hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Điều lệ Đảng không quy định tuổi “nghỉ hưu” cho ĐV. Song, thiết nghĩ dù ở môi trường, hoàn cảnh nào, người ĐV cũng cần phải giữ vững lập trường cách mạng, phẩm chất đạo đức, giữ vững lời thề danh dự với Đảng. Mỗi ĐV hưu trí hãy nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác chấp hành nghiêm quyền và nghĩa vụ của người ĐV đã được ghi trong Điều lệ Đảng.
0