Chuyện làm gương

10:34, 25/07/2020

Ăn cơm tối xong, nhớ lời hẹn với ông Hải trong Câu lạc bộ cờ tướng, ông Chung thong thả sang nhà bạn. Đến nhà, ông Chung thấy Phong - con trai cả của  ông Hải  đang nằm dài trên ghế phòng khách, ti vi mở to nhưng không xem, mắt dán vào chiếc điện thoại. Ồng Chung đánh tiếng: - Ông Hải có nhà không đấy?.

Phong giật mình ngồi dậy, cho bé  ti vi, lễ phép: - Bác ngồi đợi bố cháu một lát ạ.

Ông Chung ngồi chưa ấm chỗ thì ông Hải cầm hộp cờ từ trên tầng đi xuống, hai ông kéo nhau ra hiên tỷ thí. Trong lúc chờ bạn bày bàn cờ, ông Chung dè dặt: - Thằng Phong hôm nào ăn cơm xong cũng ra phòng khách dán mắt vào điện thoại thế à? Tôi vào thấy ti vi bật to tướng mà nó có xem đâu.

Ông Hải xác nhận: - Ngày nào chẳng thế, ăn xong là ôm lấy cái điện thoại, sao hả ông?

Ông Chung giải thích: - Hôm trước tôi sang mượn bình về tưới hoa lan thấy nó quát thằng Bin, cháu ông về tội suốt ngày ôm điện thoại, “cố thủ” trong phòng. Con thì quát, nhưng bố chẳng kém, dạy con kiểu ấy không cẩn thận nó “bật” lại ngay.  

Ông Hải phân trần: - Đang nghỉ hè, cu Bin suốt ngày trên phòng ôm điện thoại thật, tôi chưa nhắc, nhưng có bảo thằng Phong kiểm tra. Đúng là bố mẹ dạy con mà không làm gương cho chúng thì khó thật.

Ông Chung nhấn nhá: - Hơn 150 năm trước, nhà cải cách xã hội Nguyễn Trường Tộ từng bảo: Nói lý thuyết suông không bằng đích thân làm những công việc cụ thể. Còn cụ Hồ thì giản dị dạy: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Thằng Phong không cho con dán mắt vào màn hình thì nó cũng không được dán mắt vào đấy chứ. Ví như bố mẹ muốn con tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thì bố mẹ phải dậy sớm mà tập thể dục. Đấy là trong gia đình, còn ở trường học, thầy cô dạy học sinh mẫu mực nhưng bản thân mình không mẫu mực thì khó mà dạy được. Thầy cô muốn học sinh nghiêm túc trong các buổi sinh hoạt tập trung thì chính thầy cô phải nghiêm túc trong các cuộc họp.

Rộng hơn là ngoài xã hội, khi trẻ hư, ngoài trách nhiệm gia đình, nhà trường còn có một phần trách nhiệm của cộng đồng. Trường học dạy học sinh nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông, nhưng đi đường chúng toàn nhìn thấy người lớn phạm luật. Trường học dạy học sinh không được vứt rác bừa bãi, nhưng ra đường người lớn lại bạ đâu ném đó. Thế nên các cụ mới có câu “Trăm năm soi chiếc gương mờ/Không bằng một phút soi nhờ gương trong”. Ông phải bảo thằng Phong đi, không cẩn thận cu Bin cứ “gương bố” mà soi là hỏng.

Ông Hải gật gù: - Cảm ơn ông đã nhắc nhở, dứt khoát tôi sẽ chấn chỉnh thằng con, nhưng bây giờ ta vào ván cờ này đã, mời ông xuất quân trước.