Phát triển tổ chức đảng ở những chi bộ sinh hoạt ghép

10:35, 20/07/2020

Ngày 22/11/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tỉnh Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục tiêu của Đề án là phát triển tổ chức đảng ở những chi bộ sinh hoạt ghép. Bằng cách làm cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, đến nay, nhiều địa phương đã tạo được bước chuyển tích cực trong thực hiện đề án này.

Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Võ Nhai có 12 xóm chưa có chi bộ riêng phải sinh hoạt ghép tập trung ở 8/15 xã, thị trấn. Huyện ủy Võ Nhai đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể nhằm tập trung củng cố, phát triển đảng viên, trọng tâm là những xóm, bản chưa có tổ chức đảng, có ít đảng viên; phấn đấu đến năm 2020 không còn chi bộ sinh hoạt ghép.

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy hằng năm phải xây dựng kế hoạch phát triển Đảng, lựa chọn đối tượng để đưa vào nguồn bồi dưỡng, thử thách. Đồng thời, giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cụ thể để các tổ chức cơ sở đảng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình trong công tác phát triển Đảng. 
3 năm, (2017-2019), Đảng bộ huyện đã chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện đã mở 10 lớp nhận thức về đảng cho 589 quần chúng ưu tú, kết nạp 585 đảng viên mới đạt tỷ lệ trên 3,6%/năm. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực cuối năm 2019, Đảng bộ huyện Võ Nhai hoàn thành việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép (vượt chỉ tiêu đề ra 1 năm). 

Đồng chí Vũ Thị Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy với quyết tâm cao đã chỉ đạo quyết liệt công tác phát triển Đảng phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức đoàn thể nhằm thông qua các phong trào thi đua, chương trình hoạt động để phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong đó chú trọng đến công tác phát triển Đảng viên ở những xóm, bản có ít đảng viên, xóm chưa có chi bộ... hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trường học.

Huyện ủy kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt; nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ bí thư các cấp ủy cơ sở đối với công tác kết nạp đảng viên. Giao nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch kết nạp đảng viên của đơn vị; gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên của chi, đảng bộ với kết quả đánh giá, phân loại tổ chức đảng hằng năm. 

Còn tại huyện Đồng Hỷ, Huyện ủy không chỉ triển khai Đề án 06-ĐA/TU đối với những chi bộ sinh hoạt ghép, chi bộ có nguy cơ không còn đảng viên mà triển khai thực hiện trên tất cả các xã, thị trấn, bởi một thực trạng hiện nay, đảng viên nông thôn đang ngày càng già hóa. Điều này đã giúp cấp uỷ các cấp quan tâm hơn trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú để bổ sung vào hàng ngũ của Đảng. Trung bình mỗi năm kết nạp đạt 4% trên tổng số đảng viên của Đảng bộ (vượt 0,5% so với chỉ tiêu Đề án). Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng viên mới, nếu như đầu nhiệm kỳ năm 2016, toàn huyện có 15 chi bộ lãnh đạo 35 xóm (ở 6 đảng bộ) thì đến tháng 6-2020 giảm xuống còn 4 chi bộ lãnh đạo 9 xóm (ở 2 đảng bộ Văn Lăng và Quang Sơn), giảm 11 chi bộ sinh hoạt ghép và 26 xóm, cơ quan chưa có chi bộ riêng so với trước khi thực hiện Đề án.

Đồng chí Trần Xuân Thu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Hỷ, cho biết: “Trước tiên, phải tạo được sự thống nhất trong cấp ủy các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở”.

Toàn tỉnh hiện còn 140 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ riêng phải sinh hoạt ghép, giảm 41 xóm, tổ dân phố phải sinh hoạt ghép chi bộ so với thời điểm ban hành Đề án số 06-ĐA/TU. Đồng Hỷ, Võ Nhai là hai địa phương trong rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tạo được bước chuyển tích cực sau gần 4 năm thực hiện Đề án. Điều này không chỉ từng bước giảm số lượng xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ mà còn góp phần củng cố hệ thống chính trị ở vùng đặc thù, vùng khó khăn, từ đó thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.