Đại hội Đảng cấp cơ sở đã hoàn thành cơ bản và thành công tốt đẹp. Sẽ không có gì phải bàn nếu một số cấp ủy cơ sở và dưới cơ sở thực hiện đúng các hướng dẫn và Chỉ thị số 35-CT/TW của Đảng về đại hội Đảng các cấp. Vẫn còn có đại hội cấp cơ sở mà nhân sự do cấp ủy khóa trước dày công chuẩn bị, đúng quy trình, nhưng khi ra đại hội lại không trúng cử hoặc trúng vào cấp ủy nhưng tín nhiệm không cao. Hay người do Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, thôn dự kiến giới thiệu để nhân dân bầu giữ chức vụ tổ trưởng dân phố, trưởng thôn lại không được Nhân dân đồng thuận, tín nhiệm…
Trước mỗi kỳ đại hội, cấp ủy phải thực hiện một nội dung rất quan trọng là xây dựng đề án nhân sự cho cấp ủy gắn với phương án sắp xếp, bố trí nhân sự để giới thiệu bầu các chức vụ chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Cấp ủy cơ sở và dưới cơ sở khu dân cư, tổ dân phố, thôn, bản, xóm cũng vậy. Còn những hạn chế nói trên rõ ràng cấp ủy đã chưa làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự. Mặt khác, người được giới thiệu quy hoạch, đề cử vào cấp ủy, chức vụ trong hệ thống chính trị ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đặc biệt là uy tín, năng lực của bản thân... Đâu đó vẫn còn lòng ham chức vụ, tham quyền lực mà quyên trách nhiệm, nghĩa vụ với tổ chức và Nhân dân.
Thiết nghĩ, việc Nhân dân không đồng thuận, tín nhiệm là do những người này chưa đủ tâm, tài, đức. Có người được đưa vào quy hoạch, lựa chọn để giới thiệu bầu vào các chức vụ trong hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa đủ uy tín… Cổ nhân có câu “Y phục xứng kỳ đức”, những người khoác lên mình chiếc áo đảng viên, lại là đảng viên ưu tú để giới thiệu giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị thì phải có đủ tâm, tài, đức, xứng với chiếc áo mà mình được khoác. Nếu “y phục không xứng kỳ đức” thì không những làm xấu mình mà còn làm tổn hại đến uy tín của Đảng, suy yếu hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, phấn đấu rèn luyện để ngang tầm nhiệm vụ và hình thành văn hóa “từ quan” trong đề bạt, bổ nhiệm, sẵn sàng xin rút khỏi danh sách được giới thiệu ứng cử, đề cử và quy hoạch.