Biểu hiện lạm dụng quyền lực

05:19, 29/08/2020

Đây là giải pháp để nâng cao năng lực công tác, sức chiến đấu và uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên. Chẳng là, trong những ngày cả nước tiếp tục phải chung tay phòng, chống dịch COVID-19, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, mọi người không nên đến những nơi tập trung đông người. Vì thế, gia đình tôi tranh thủ ngày cuối tuần đến thăm người bạn trong thành phố. Thấy vẻ mặt anh đượm buồn, tôi liền hỏi.

- Cậu có chuyện gì không vui sao?

  - Ờ, cũng không có chuyện gì lớn cả! Vài chuyện lặt vặt ở cơ quan ấy mà. Cậu biết đấy, cơ quan tôi có vài chục người, nếu tính lãnh đạo từ cấp phòng trở lên còn chưa đầy hai mâm. Ấy thế mà nay anh này phê bình, kiểm điểm anh kia, mai “tỉ tê” với sếp về anh A., chuyện này, chị B., chuyện kia. Không thích nhau thì cuộc họp nào cũng phải tìm cho ra khuyến điểm, hạn chế để phê bình, kiểm điểm lẫn nhau. Thậm chí, có người ngoài mặt thì khen nức nở anh tuyệt vời, công việc đó chỉ có anh mới làm được,… Thế nhưng, đến khi bình xét thi đua, hay quy hoạch cán bộ thì lại gạch anh đầu tiên.

- À ra thế, anh trong câu chuyện chính là cậu phải không. - Tôi hỏi vui.

Thực tế trong cuộc sống cũng như công tác, chuyện người này yêu quý hoặc không quý mến người kia cũng là việc bình thường. Bởi, mỗi người là một “kiểu” người, họ đều là người tốt nhưng có thể không hợp nhau về tính cách, lối sống… Nhưng nếu chỉ vì tính cách, lối sống không hợp nhau mà dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, kéo bè, kéo cánh,… trong cơ quan, tổ chức thì quả là điều đáng quan tâm, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong sinh hoạt Đảng, hay khi tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ thì né tránh, nể nang, đồng ý cho qua chuyện. Đến khi thực hiện biểu quyết thì “bày tỏ” bằng lá phiếu. Đem lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Ai thân quen, quý mến, “cánh hẩu” thì nhất nhất ủng hộ, tán thưởng. Người không hợp, không quý mến thì có tài cũng không công nhận và khi được dịp thì dìm họ xuống… Đó cũng là biểu hiện của lạm dụng quyền lực.

Thực hành dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của tập thể lên trên, trước hết thì sẽ không có chuyện lạm dụng quyền lực trong bình xét, bỏ phiếu như chuyện ở cơ quan anh bạn tôi nói trên.