Một lần đi thực tế tại cơ sở, chúng tôi may mắn được tham dự hội nghị sơ kết công tác ở một đơn vị. Người chủ trì hội nghị - đồng chí Bí thư Đảng ủy đặc biệt gây ấn tượng với cánh phóng viên chúng tôi khi nêu định hướng thảo luận, trao đổi và trả lời rất thấu tình, đạt lý các ý kiến của cán bộ, đảng viên.
Nhưng chỉ có một nội dung mà không chỉ tôi, các đồng nghiệp của tôi cũng đều thắc mắc đơn vị này hoạt động rất dân chủ, bài bản, ban lãnh đạo rất đúng vai, thuộc bài và tâm huyết..., vậy sao, trong báo cáo tỷ lệ cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ ở mức làng nhàng lại cao vậy? Tại sao Đảng ủy, Ban Giám đốc phải “đốt đuốc” đi tìm cán bộ trẻ để bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo cán bộ nguồn; thậm chí có cán bộ còn rất trẻ đã phải đưa vào diện “tinh giản biên chế”… Với những câu hỏi chất chứa chưa được giải đáp, tôi quyết định tìm đến Bí thư Đảng ủy để tìm hiểu. Vừa gặp lại, dường như Bí thư Đảng ủy đã đoán được ý tôi, nên hỏi luôn: - Nhà báo muốn phỏng vấn tôi về hiệu quả công tác của đoàn viên, thanh niên cơ quan có phải không?
- Vâng, xin anh có thể nói rõ thêm về nội dung này? - Tôi đề nghị.
- Nhà báo thấy đấy, thời buổi kinh tế thị trường, nhà nhà, người người đặt mục tiêu phát triển kinh tế. Và cán bộ, công chức, viên chức cũng không phải ngoại lệ, nhất là đơn vị sự nghiệp như cơ quan tôi. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức bây giờ chỉ chăm chăm vào vấn đề thu nhập, vì vậy không ít người “chân ngoài dài hơn chân trong”, chưa hết giờ đã nhăm nhăm phải về để còn lo làm kinh tế, thậm chí có người đến nhiệm sở vẫn không quên nhiệm vụ kinh doanh “online” của mình. Cho nên, họ không toàn tâm, toàn ý cho công việc dẫn đến hiệu quả công tác không cao. Vì vậy, chúng tôi phải chỉ rõ, làm đúng quy định của pháp luật, sẵn sàng đưa họ ra khỏi tổ chức bộ máy theo tinh thần “không làm được thì đứng ra một bên để người khác làm” chứ nói gì đến việc đưa vào quy hoạch hay bổ nhiệm,... đó cũng là hệ quả của việc “tham bát bỏ mâm”.
Không chỉ có ở đơn vị trong câu chuyện kể trên, trong thực tế ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn có những cán bộ, đảng viên chỉ thấy lợi ích trước mắt, không nhìn vào lợi ích lâu dài của tập thể, địa phương, đơn vị và lợi ích lâu dài của chính mình. Vì vậy, trong công tác họ chỉ nhìn vào cái lợi của bản thân mà bất chấp hoặc lờ đi mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức. Việc cán bộ, đảng viên phát triển kinh tế gia đình là nhu cầu chính đáng và Đảng, Nhà nước ta rất khuyến khích cán bộ, đảng viên làm giàu hợp pháp. Thế nhưng, cán bộ, đảng viên vì mục tiêu cá nhân mà lơi lỏng chức trách, nhiệm vụ của mình, thậm chí buông bỏ thì rất đáng phải xem xét.