Thời gian qua, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt chú trọng các xóm, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng hoặc ít đảng viên, còn phải sinh hoạt ghép. Từ chủ trương đúng, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 63 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ riêng, đảng viên phải sinh hoạt ghép so với thời điểm đầu năm 2016, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên, tạo được niềm tin với nhân dân…
Tiêu biểu trong công tác phát triển Đảng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là Đảng bộ huyện Võ Nhai. Đầu năm 2015, toàn huyện có 8/15 xã, thị trấn có chi bộ sinh hoạt ghép (với 12 chi bộ). Với đặc thù là huyện vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên một số xóm trong huyện chưa có chi bộ, nhiều trưởng xóm chưa là đảng viên. Trước thực trạng đó, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu với Huyện ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển Đảng, đặc biệt là tại các xóm vùng sâu, vùng xa, xóm có ít đảng viên; Việc tạo nguồn, giáo dục bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp vào Đảng đã được các chi, đảng bộ cơ sở quan tâm đúng mức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần củng cố, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nung (Võ Nhai) cho biết: Những năm trước, xã có nhiều chi bộ phải sinh hoạt ghép nên rất khó khăn trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Đơn cử như xóm Lũng Luông có 4 đảng viên, Lũng Cà có 2 đảng viên và Lũng Hoài có 1 đảng viên. Để khắc phục, Đảng bộ đã chỉ đạo cấp ủy phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xóm, bản trong việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới để đủ điều kiện chia tách chi bộ. Đối với những xóm, bản chỉ có 1 đảng viên phải sinh hoạt ghép, Đảng bộ xã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy cử thêm 3 đảng viên chính thức về sinh hoạt tại xóm đó để thành lập chi bộ theo quy định. Đến khi phát triển đủ số đảng viên chính thức, các đảng viên này sẽ quay lại sinh hoạt tại chi bộ cũ. Nhờ đó, nếu như năm 2015, Đảng bộ xã có 3 xóm sinh hoạt ghép thì đến cuối năm 2019 các xóm đã có chi bộ, không còn chi bộ ghép. 5 năm qua, Đảng bộ xã đã kết nạp được 44 đảng viên mới, trong đó có 34 đồng chí là người dân tộc thiểu số.
Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) tổ chức một cuộc họp chuyên đề về công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ (tháng 8-2020). Ảnh: Q.T
Với những giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển đảng viên ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, những thôn bản có ít đảng viên, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ huyện Võ Nhai đã kết nạp 1.021 đảng viên, trung bình mỗi năm kết nạp được 204 đồng chí (vượt 28,1% so với kế hoạch). Đến cuối năm 2019, Đảng bộ huyện đã xóa được 12 chi bộ sinh hoạt ghép.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, nhìn chung các cấp ủy trong tỉnh rất quan tâm công tác phát triển đảng viên. Đơn cử như ở huyện Phú Bình, hàng năm, Huyện ủy đều tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển đảng viên. Thường trực Huyện ủy yêu cầu các chi, đảng bộ rà soát, tổng hợp nguồn đối tượng kết nạp đảng, lập danh sách và mở lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên đối với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh... Với sự chỉ đạo quyết liệt, trong 5 năm 2016-2020, toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.233 đảng viên, tỷ lệ kết nạp đảng viên đạt 3,6% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện (vượt 0,1% so với mục tiêu được đề ra trong Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy).
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, gắn với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được trên 16.000 đảng viên, tỷ lệ phát triển đảng viên mới bình quân hàng năm đạt 3,8% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (chỉ tiêu là 3,5%). Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 63/181 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ riêng, đảng viên phải sinh hoạt ghép. Cơ cấu đảng viên chuyển biến theo hướng trẻ hóa, chất lượng đảng viên mới được nâng lên...
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế hiện nay cũng cho thấy, công tác phát triển đảng viên mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu bình quân hàng năm kết nạp đảng viên đạt tỷ lệ từ 2,5% trở lên so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh đầu nhiệm kỳ. Khi xây dựng chỉ tiêu này thấp hơn nhiệm kỳ trước, nhiều đại biểu cũng băn khoăn. Lý giải về việc đưa ra chỉ tiêu phát triển đảng viên thấp hơn nhiệm kỳ trước, tại các hội nghị của tổ biên tập, Tiểu ban Văn kiện, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng tỷ lệ phát triển đảng bình quân những năm gần đây giảm dần. Năm 2016 đạt 4,31%, đến năm 2018 đạt 3,75%, năm 2019 giảm còn 3,08% và dự ước năm 2020 sẽ đạt xấp xỉ 3%. Nguyên nhân là do thiếu nguồn kết nạp đảng. Bên cạnh đó, bám sát Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng, thì bên cạnh việc quan tâm đến số lượng phát triển đảng, nhiệm kỳ tới cấp ủy các cấp cũng cần quan tâm hơn về chất lượng đảng viên...
Kết quả công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ tỉnh thời gian qua đã tạo nguồn sinh lực mới cho tổ chức đảng. Phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy các cấp cần chủ động làm tốt việc phát hiện, tạo nguồn kết nạp đảng viên, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, kế hoạch, lựa chọn đúng đối tượng đưa vào nguồn. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, hướng dẫn, thủ tục về công tác phát triển Đảng, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa kết nạp với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và sàng lọc đảng viên, không ngừng củng cố, làm cho tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin trong đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.