Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

11:51, 30/11/2020

Mặc dù không phải là xã điểm của T.P Thái Nguyên về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015 nhưng năm 2014, Phúc Trìu đã trở thành địa phương đầu tiên của thành phố được UBND tỉnh Thái Nguyên trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2015-2020, Phúc Trìu bước vào thời kỳ xây dựng Nông thôn tiên tiến (nay gọi là NTM kiểu mẫu). Để đạt được mục tiêu thì một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng uỷ xã Phúc Trìu xác định là phải làm tốt công tác dân vận. 

Cuối tháng 11-2018, tuyến đường liên xã Phúc Xuân - Phúc Trìu (nối từ chợ Phúc Xuân đến UBND xã Phúc Trìu) dài 2,8km được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng phía Tây thành phố. Trước đây, tuyến đường liên xã nhỏ hẹp, gồ ghề, giao thương, trao đổi hàng hóa vì thế bị hạn chế. Xác định việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường là việc làm quan trọng và cần thiết, nên ngay sau khi được UBND thành phố phê duyệt chủ trương, kinh phí làm đường gần 13 tỷ đồng, Đảng ủy xã Phúc Trìu đã chỉ đạo UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất và tài sản trên đất để làm đường. 
 
Ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phúc Trìu cho biết: Hội Người cao tuổi xã Phúc Trìu đã gương mẫu tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, tự nguyện đóng góp công sức tiền của, hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng các tuyến đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa hay các công trình phúc lợi khác gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đức Hồ Chí Minh". Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2018, Hội đã vận động hội viên hiến gần 5.000m2 đất để mở rộng, bê tông hóa nhiều tuyến đường trong xã và trên 200 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa các xóm. 
 
Cùng với tuyến đường liên xã Phúc Xuân - Phúc Trìu thì cây cầu bắc qua dòng kênh Hồ Núi Cốc đi các xóm Khuôn, Nhà Thờ… hay Trung tâm văn hóa thể thao, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhà văn hóa, gần 10km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được cứng hóa và bê tông hóa…. Đây cũng là những công trình nổi bật của xã đã làm được trong giai đoạn 2015-2020 nhờ công tác dân vận. 
 
Bà Trịnh Thị Huệ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Trìu khẳng định: Muốn xây dựng nông thôn mới phải dựa vào sức dân chứ không phải chông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới được đặt lên hàng đầu.
 
Theo đó, xã đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tại nhà văn hóa các xóm; các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội đoàn thể; các cuộc thi sân khấu hóa… về 19 tiêu chí của bộ tiêu chí nông thôn mới đến người dân. Những ngày đầu làm công tác tuyên truyền, vận động, xã hầu như không nhận được sự hợp tác từ phía các hộ dân. Xác định rõ những khó khăn này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo mỗi cán bộ, đảng viên phải là người nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, các nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, từ đó tiên phong, gương mẫu thực hiện. Các tổ chức chính trị, xã hội phải là cánh tay nối dài của Đảng ủy, chính quyền và mỗi hội viên là một tuyên truyền viên, tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động quần chúng nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Bằng cách làm này, xã Phúc Trìu đã trở thành địa phương đầu tiên của thành phố về đích nông thôn mới trước kế hoạch. 
 
Bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đảng ủy xã xác định phải đổi mới công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng ủy xã đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, làm nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
 
Đã có 6 hội nghị tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn được tổ chức; 5 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó điển hình là mô hình “Dân vận khéo sống tốt đời, đẹp đạo” ở những xóm có đông đồng bào có đạo cùng 15 tổ dân vận tại các khu dân cư được thành lập đã góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vũng mạnh ở cơ sở. Giai đoạn 2015-2020, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 49 tạ/ha; Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha chè tăng từ 320 triệu đồng lên 400 triệu đồng; 15 làng nghề chè truyền thống và 7 hợp tác chè phát triển ổn định. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá. Điều đáng nói, thu nhập bình quân từ 28 triệu đồng/người/năm năm 2015 tăng lên 45 triệu đồng/người/năm năm 2019; số hộ nghèo  giảm từ 34 hộ năm 2015 xuống còn 23 hộ. 
 
Với sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành cùng sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên sau gần 10 năm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở xã Phúc Trìu đổi thay rõ rệt. Không còn là một xã thuần nông, đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu... mà nay đã phát triển thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, giá trị cây trồng chủ lực (cây chè) đã phát triển lên một tầm cao mới, trở thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao; hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư; 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Cùng với đó, người dân đã bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng. 
 
Ông Trương Văn Hiệu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: Thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp vận động nhân dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu, tiếp thu các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đề ra các hình thức dân vận vừa hiệu quả, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân là một trong những cách làm hiệu quả mà MTTQ xã đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai tới các tổ chức thành viên trong thời gian tới, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu ở Phúc Trìu phát triển bền vững. 
 
Với những kết quả đạt được, năm 2015, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015; Đảng bộ xã được Thành ủy Thái Nguyên khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong công tác Tuyên giáo và phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2010- 2015... 
 
Và mới đây nhất, Đảng bộ xã Phúc Trìu vinh dự là một trong 22 tập thể được Thành ủy Thái Nguyên khen thưởng trong công tác xây dựng Tổ chức xây dựng Đảng, công tác dân vận của Đảng, Văn phòng cấp ủy giai đoạn 2015-2020 và thực hiện phong trào thi đua “ Dân vận khéo”, giai đoạn 2015-2019. Đó là những phần thưởng, sự ghi nhận, cũng là động lực để trong thời gian tới, Đảng bộ xã Phúc Trìu tiếp tục có những chủ trương, định hướng đúng đắn trong công tác dân vận nói riêng, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền nói chung, xây dựng địa phương trở thành một xã nông thôn mới kiểu mẫu phát triển lớn mạnh ở phía Tây thành phố.