Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, xã Hà Châu (Phú Bình) luôn quan tâm, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là trong phát triển kinh tế và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân và giúp diện mạo nông thôn ở Hà Châu ngày càng khởi sắc.
Ở xã Hà Châu người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khoảng 5 năm trở về trước, trên địa bàn xã chưa xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, trên đồng đất địa phương hầu như chỉ có hai cây trồng chủ lực là lúa và ngô năng suất chưa cao… Để bà con thay đổi tư duy, phát huy các thế mạnh nông nghiệp, Đảng ủy xã Hà Châu đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, xã tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn khoa học về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân, phối hợp tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm những mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài tỉnh cho cán bộ nông nghiệp, các trưởng xóm để về tuyên truyền lại cho bà con…
Với cách làm như vậy, những năm gần đây, Hà Châu đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến việc vận động nhân dân thực hiện xây dựng vùng trồng cây ăn quả. Nhận thấy ở xóm Chảy có nhiều diện tích đất soi bãi dọc sông Cầu, chủ động được nguồn nước tưới và phù hợp trồng cây ăn quả nhưng hầu như các hộ trong xóm chỉ trồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ trong gia đình. Xã đã chỉ đạo tổ dân vận xóm và các tổ chức hội tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đưa vào trồng nhiều loại cây ăn quả như táo, ổi, bưởi...; trong đó, chú trọng phân tích để bà con hiểu được những lợi ích của việc xây dựng cây ăn quả thành vùng tập trung, đồng thời nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của các đảng viên trong chi bộ... Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xóm Chảy đã hình thành được vùng cây ăn quả trên tổng diện tích khoảng 15ha.
Ông Phạm Văn Thư, ở xóm Chảy, cho biết: Được sự tuyên truyền, vận động của địa phương, tôi đã chuyển đổi 10 sào soi, bãi trồng ngô, rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây táo. Qua thu hoạch tôi thấy trồng táo cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng cây màu; qua mỗi lần đốn cây hàng năm vẫn có thể tranh thủ trồng xen canh thêm vụ ngô.
Không chỉ dân vận khéo trong phát triển kinh tế, xã Hà Châu còn làm tốt công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, khi mới thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Hà Châu mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai, công tác dân vận được xã xác định là một trong những giải pháp quan trọng xây dựng thành công xã nông thôn mới. Để thực hiện, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ và nhân dân hiểu về nội dung, mục tiêu của chương trình. Phân công các thành viên của ban chỉ đạo XDNTM trực tiếp xuống các xóm để cùng cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận, Tiểu ban XDNTM xóm bàn bạc, thống nhất, triển khai thực hiện từng công việc theo kế hoạch, tiến độ đề ra. Đồng thời, phát huy quy chế dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Bằng cách làm như vậy, xã Hà Châu đã huy động được trên 123 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân. Vận động người dân hiến trên 43.000m2 đất để xây dựng các công trình của địa phương. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn từ xã đến xóm, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi ở xã đã được cứng hóa, đạt tỷ lệ trên 90%. Cả 3 trường học trên địa bàn xã đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; cơ sở vật chất y tế được đầu tư đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…Năm 2017, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được.
Thời gian tới, Đảng bộ xã Hà Châu sẽ tiếp tục lãnh đạo, phát huy tính sáng tạo để đẩy mạnh các phong trào thi đua “dân vận khéo”. Lấy cán bộ, đảng viên làm hạt nhân để để làm cho phong trào thực sự có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững.