Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, tôi có ý kiến đóng góp liên quan đến nội dung đã được đánh giá trong phần thứ hai “Tổng kết thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII”: Việc quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng về công tác quản lý đảng viên chưa bao quát hết tình hình thực tiễn” (nằm trong mục “vướng mắc, bất cập”).
Cụ thể là: Ngày 2/1/2020, Bộ Chính trị đã có Quy định số 213-QĐ/TW (viết tắt là Quy định số 213) về “Trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú”, thay thế Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII. Logic nội tại của Quy định số 213 đã xác định 3 mối liên hệ mang tính quy trình, đó là chi bộ nơi đảng viên đang công tác; chi bộ nơi đảng viên cư trú và cá nhân đảng viên (xin được viết tắt là đảng viên 213). Mối liên hệ đó được thể hiện trong 3 điều (điều 2, 3, 4) của Quy định số 213. Trong đó, đảng viên 213 được coi là chủ thể chính, phải thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, hai chi bộ (gồm: chi bộ nơi đảng viên 213 đang công tác và chi bộ nơi có đảng viên 213 cư trú) cần chủ động giữ mối liên hệ với nhau, kịp thời nắm bắt những thông tin liên quan đến đảng viên đó.
Mục 4, Điều 3 của Quy định số 213 nêu rõ: Định kỳ hằng năm tổ chức lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên của mình thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú. Còn tại Điều 4, mục 1 có nêu: Đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp nhận và lập danh sách đảng viên đang công tác được giới thiệu về sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú ở địa phương mình; giới thiệu về cho các chi ủy, chi bộ thôn, bản, khối phố.
Theo Quy định số 213, đảng viên 213 có trách nhiệm thực hiện 7 nhiệm vụ tại Điều 2 và “báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Điều 2 với chi ủy nơi công tác vào dịp kiểm điểm, đánh giá đảng viên hằng năm”; nếu như chuyển công tác thì “kịp thời báo cáo với chi ủy nơi công tác và nơi cư trú khi chuyển sang nơi cư trú khác”. Còn các công việc khác do cấp ủy nơi công tác và cấp ủy nơi cư trú thực hiện, nghĩa là đảng viên 213 không được trực tiếp nhận và chuyển phiếu nhận xét. Có như vậy thì việc lấy ý kiến nhận xét mới chính xác, khách quan. Việc làm này giúp hai cấp ủy (cơ quan công tác và địa phương nơi cư trú) cũng tạo dựng và duy trì được mối liên hệ.
Về việc họp lấy ý kiến vào phiếu nhận xét đối với các đảng viên 213, Quy định số 213 nêu rõ thành phần họp gồm có chi ủy, ban công tác mặt trận và cần nhận xét rõ đối với từng đảng viên. Trường hợp đảng viên 213 cho rằng nhận xét của cấp ủy nơi cư trú chưa khách quan thì hai cấp ủy gặp gỡ trao đổi (Điều 4.4). Để giải quyết trường hợp này, cấp ủy nơi cư trú cần có biên bản họp ghi rõ ý kiến nhận xét đối với từng đảng viên 213…