Mô hình bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh ở khu dân cư trên địa bàn T.X Phổ Yên không chỉ đơn thuần giảm số lượng cơ học mà quan trọng hơn là giảm được việc hành chính hóa ở cấp thôn, xóm; thuận lợi, nhịp nhàng hơn trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân.
Trách nhiệm khi gánh nhiều “vai”
Dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi phải đợi khá lâu mới gặp được ông Nguyễn Xuân Du, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Cầu Sơn, xã Trung Thành. Lý do là ông bận cùng cán bộ chuyên môn xã đi kiểm tra tình trạng chồng lấn diện tích đất của một số hộ dân trong xóm. Với một khu dân cư có 215 hộ, gần 900 nhân khẩu như Cầu Sơn thì việc kiêm nhiệm hai “vai” như ông Du quả thực có phần vất vả. Tuy nhiên, việc chỉ đạo và điều hành công việc lại thuận lợi hơn. Theo ông Sơn, ông có thể vừa chỉ đạo xây dựng nghị quyết, vừa trực tiếp lãnh đạo thực hiện nên tạo sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận, lãnh đạo xóm cũng như đồng thuận của nhân dân.
“Một người đảm nhận cả hai chức danh thì khối lượng công việc rất nhiều, do đó cần sự nhiệt tình, trách nhiệm và công tâm, khách quan trong thực hiện để nhân dân tin tưởng” - Ông Nguyễn Xuân Du, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Cầu Sơn, xã Trung Thành. |
Cũng xã Trung Thành, ông Trần Văn Liệu đã đảm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Hưng Thịnh từ hơn 3 năm nay. Theo ông Liệu, lợi ích thấy rõ của việc kiêm nhiệm là chỉ đạo, điều hành ở cơ sở thống nhất, nhanh chóng hơn, giảm bớt hành chính hóa. Đối với mỗi nội dung, chỉ sau hai lần họp (gồm chi bộ mở rộng và họp dân - giảm một nửa so với trước đây) là nghị quyết chi bộ được xây dựng và đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, Hưng Thịnh là một trong những xóm đi đầu ở Trung Thành trong triển khai các phong trào thi đua, nhất là sớm quyết toán kinh phí làm đường giao thông nông thôn và các công trình thủy lợi.
Cùng với nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng xóm, nhiều địa phương ở Phổ Yên còn thực hiện mô hình một người kiêm nhiệm nhiều chức danh để giảm đầu mối. Như ở xã Phúc Tân, có 3/5 chi bộ nông thôn bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận; xã Thành Công có 8/23 trường hợp kiêm nhiệm bí thư chi bộ đồng thời là chi hội trưởng nông dân, cán bộ thú y, trưởng ban công tác mặt trận hoặc được tín nhiệm là đại biểu HĐND xã; các xã Tiên Phong, Phúc Thuận cũng có nhiều trường hợp kiêm nhiệm như: Trưởng xóm kiêm chi hội trưởng cựu chiến binh và câu lạc bộ quân nhân; trưởng ban công tác mặt trật kiêm chi hội trưởng nông dân và phụ nữ; phó xóm đồng thời là công an viên…
Lựa chọn người có năng lực, trách nhiệm
Sau một thời gian triển khai, có thể khẳng định, việc áp dụng chủ trương một người kiêm nhiệm nhiều chức danh ở khu dân cư ở Phổ Yên là phù hợp, giúp giảm đầu mối, phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng thực hiện được chính sách này. Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho rằng: Để phát huy và nhân rộng hiệu quả của chính sách này phải bắt đầu từ công tác lựa chọn cán bộ. Để làm tốt công tác kiêm nhiệm thì cán bộ “gánh vai” đó phải phải là người có năng lực và tâm huyết với nhiệm vụ được giao.
Nhà văn hóa thôn Thượng vụ 1, xã Thành Công đang tiến hành cải tạo, bổ sung ghế đá để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tập thể của người dân.
Gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ Giã Thù, xã Tiên Phong, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Giã Thù 1, ông Hoàng Văn Giới được bà con tin yêu vì sự nhiệt tình, hết lòng với công việc tập thể. Ông chia sẻ: Chi bộ Giã Thù lãnh đạo 4 xóm: Giã Thù 1, 2, 3 và 4 với 55 đảng viên; tổng số 470 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Mọi việc dù lớn hay nhỏ trong các xóm này đều gọi đến bí thư chi bộ đến giải quyết. Nếu không thực sự trách nhiệm, dành thời gian cho công việc thì khó đáp ứng nhiệm vụ nhân dân đã giao phó.
Ông Nguyễn Gia Chinh, Bí thư Chi bộ Đồng Vầu (ghép xóm 1 và 2) kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 1, xã Phúc Tân cùng quan điểm: Thực tế cùng lúc kiêm nhiệm nhiều chức danh sẽ thiệt thòi, vì công việc cộng gộp vào nhưng chế độ phụ cấp lại không tăng tương xứng. Vì vậy, người được lựa chọn phải thực sự trách nhiệm, chấp nhận thiệt thòi cá nhân để phục vụ lợi ích tập thể.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, T.X Phổ Yên đã tiến hành sáp nhập 56 xóm, tổ dân phố không đủ điều kiện tại 10 xã, phường. Đồng thời thí điểm mô hình một người kiêm nhiệm nhiều chức danh ở cấp thôn, xóm. |
Theo đánh giá của Thị ủy Phổ Yên, kiêm nhiệm nhiều chức danh ở khu dân cư giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, giảm được số lượng lớn cán bộ cấp xóm, tổ dân phố. Việc tiếp thu và triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng kịp thời, thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời, phát huy được năng lực, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh công việc; tránh được sự chồng chéo trong lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền.
Ông Ngô Văn Thành, Phó trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Phổ Yêncho biết: Phổ Yên đang tiến hành rà soát số lượng và đánh giá cụ thể hiệu quả việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm ở khu dân cư. Định hướng chung trong thời gian tới là tiếp tục cơ cấu bí thư chi bộ kiêm trưởng xóm, một người kiêm nhiệm nhiều chức danh tại những nơi có nguồn cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín; tăng tỷ lệ trưởng xóm, tổ dân phố là đảng viên. Đồng thời chúng tôi sẽ đề nghị cấp trên xem xét, bố trí chế độ phụ cấp phù hợp đề thu hút những người có trình độ, năng lực gánh vác công việc tập thể ở cơ sở.