Hành động quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống

09:44, 19/02/2021

Khẩn trương triển khai chương trình hành động để đưa nghị quyết vào cuộc sống là điều được các cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm sau mỗi kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Chính vì vậy, ngay sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh đã tập trung rà soát tình hình thực tế, phát huy thế mạnh của từng địa phương để ban hành các chương trình, đề án cụ thể thực hiện nghị quyết đại hội, tích cực triển khai với quyết tâm cao nhất sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Chuyển động từ cơ sở

Được Tỉnh ủy chọn là một trong hai đảng bộ cấp trên cơ sở tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh, ngay sau đại hội, Đảng bộ huyện Phú Bình đã khẩn trương cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và 3 khâu đột phá trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Nhằm thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thị xã, Đảng bộ huyện đã lựa chọn 10 đề án, 6 chương trình, 3 nghị quyết chuyên đề để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu. Cùng với đó, Huyện ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong cấp ủy để ổn định về mặt tổ chức, nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống...

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, riêng trong lĩnh vực giao thông, ngoài “huyết mạch” là Quốc lộ 37, những năm gần đây, các tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện Phú Bình liên tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, nhiều cầu qua sông Đào đã và đang được xây mới. Đặc biệt là tuyến đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh - tuyến đường “xương sống” kết nối huyện Phú Bình với T.X Phổ Yên, Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đến nay đã cơ bản được hoàn thành. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tạo đà cho quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của địa phương đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư Dự án đường vành đai V đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để Dự án được triển khai, hoàn thiện bảo đảm tiến độ. Theo ông Dương Đại Đồng, Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình: Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường vành đai V. Ngay trong quý I năm nay, chúng tôi sẽ đốc thúc những hộ này di chuyển ra khu tái định cư và làm nhà ở tạm để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư Dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra…

Thời gian qua, mô hình trồng cam Vinh do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ triển khai tại xã Tân Long mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các hộ tham gia. Trong ảnh: Vườn cam của gia đình anh Hoàng Văn Tân, ở xóm Ba Đình. Ảnh: K.O

Đối với Đảng bộ huyện Đồng Hỷ, sau một nhiệm kỳ có nhiều biến động do điều chỉnh địa giới hành chính, việc xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV xác định cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, mục tiêu tổng quát là phấn đấu xây dựng Đồng Hỷ trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động được trên 1.220 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 830 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Đến nay, toàn huyện đã có 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đồng chí Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy: Huyện sẽ xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù để sớm đưa 2 xã đặc biệt khó khăn là Tân Long và Văn Lăng về đích nông thôn mới.

Tạo động lực mới

Một trong những điểm mới của kỳ đại hội lần này là thảo luận, thống nhất chương trình hành động thực hiện nghị quyết với những đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện trên từng lĩnh vực, nội dung cụ thể ngay tại đại hội. Đây được đánh giá là chủ trương đúng và trúng vì đã khắc phục được độ “trễ” trong việc cụ thể hóa nghị quyết đại hội. Theo đó, ngày 23/11/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 5 định hướng phát triển lớn, 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch. Đây là căn cứ quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. 

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 20/1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết với 7 chương trình, 18 đề án và kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án. Cụ thể, đối với lĩnh vực phát triển công  nghiệp, UBND tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung phát triển thêm các KCN, cụm công nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh; bổ sung, mở rộng quy hoạch KCN Sông Công II khoảng 300ha, KCN Yên Bình khoảng 300ha. Việc mở rộng quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh chính là nhằm mục tiêu thu hút đầu tư vào cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh. Một tin vui đối với tỉnh ngay trong những ngày đầu năm 2021 là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Cụ thể, bổ sung KCN Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300ha tại T.P Sông Công và KCN Phú Bình với diện tích 675ha tại các xã Tân Hòa, Lương Phú và thị trấn Hương Sơn (Phú Bình). Đối với lĩnh vực nông nghiệp - PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) với diện tích tự nhiên toàn khu là 154,36ha. Đây là khu thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu trong lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng; đào tạo tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành nông nghiệp của tỉnh, vùng và cả nước...

Như vậy, từ thực tế cho thấy, với chương trình hành động cụ thể, thiết thực và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nói chung, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nói riêng là cơ sở quan trọng để tỉnh từng bước biến quyết tâm thành hành động thiết thực, hiệu quả, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.