Trong những năm qua, Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn xác định kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có Kết luận số 72-KL/TW ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”; Kết luận số 38-KL/TW ngày 03/8/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục lãnh đạo thực hiện nhóm nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Kết luận số 72.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là cơ quan thường trực đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai 02 kết luận đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và mở rộng đến một số thành phần là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; thành viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Cơ quan UBKT Tỉnh uỷ; đại diện ban cán sự đảng, đảng đoàn; bí thư, phó bí thư thường trực, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra các huyện uỷ, thành uỷ, thị ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ. Đồng thời chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến các đảng bộ, chi bộ và toàn thể đảng viên thực hiện.
Việc tổ chức quán triệt Kết luận số 72 và Kết luận số 38 góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ đã được đề cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Xác định rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng là một trong những chức năng, nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy, UBKT các cấp đã chủ động xây dựng, ban hành quy chế làm việc, quy trình, quy định, chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng toàn khóa và hằng năm...; hoàn thiện 15 quy trình, 02 quy định về kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các huyện ủy, thành ủy; Quy chế phối hợp giữa MTTQ tỉnh với Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với UBKT Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Thanh tra tỉnh… để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nâng số tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước.
Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 01 chỉ thị, 04 đề án, 01 nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát; quyết định phân công cấp ủy viên và thành lập các đoàn, tổ công tác của cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các đảng bộ trực thuộc;
Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy rà soát, ban hành tài liệu tập huấn, quy trình nghiệp vụ và hệ thống mẫu văn bản, biểu mẫu báo cáo, thống kê để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng bộ; xây dựng, thực hiện danh mục Đề án vị trí việc làm tạm thời của Cơ quan UBKT Tỉnh ủy;
Quan tâm củng cố ngành Kiểm tra, xây dựng và bổ sung quy hoạch, kiện toàn UBKT các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm tra có đủ phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, trách nhiệm; đảm bảo cơ bản trang thiết bị, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm chuyên ngành Kiểm tra của Đảng và các phần mềm khác.
Kết quả, từ năm 2010 đến nay, cấp ủy, UBKT các cấp đã kiểm tra đối với 11.573 tổ chức đảng và 13.368 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 7.083 tổ chức đảng và 3.979 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 42 tổ chức đảng và 2.339 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 250 tổ chức đảng và 759 đảng viên; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 6.827 tổ chức; giải quyết tố cáo đối với 17 tổ chức đảng và 467 đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng đối với 21 đảng viên; kiểm tra về thu, chi ngân sách, thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với 1.794 tổ chức đảng.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 72 và hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 38 của Bộ Chính trị, nhận thức của cấp ủy, UBKT các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã được nâng lên, coi công tác kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác kiểm tra, giám sát đã được đổi mới cả nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề theo đúng phương châm “giám sát phải mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí như công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản...
Qua đó giúp hoạt động của UBKT hiệu quả hơn, vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đối với công tác kiểm tra, giám sát rõ nét hơn. Công tác phối hợp giữa các cấp ủy, ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng có liên quan ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã phối hợp tốt với ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc tỉnh, nhất là trong việc trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến dấu hiệu vi phạm của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ủy ban kiểm tra các cấp có nhiều cố gắng, nỗ lực tham mưu giúp cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và tổ chức thực hiện toàn diện chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm; thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đổi mới và thực hiện tương đối toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.
Việc thi hành kỷ luật trong Đảng đã thực hiện đúng phương châm, phương hướng, nguyên tắc, thủ tục, quy trình, quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời quan tâm giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, bức xúc, kéo dài, góp phần làm cho tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với đảng viên và tổ chức đảng giảm về số lượng, đặc biệt là đơn thư vượt cấp.
Cấp uỷ các cấp trong tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp; đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp được tăng cường và ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Qua kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị, cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, cấp ủy đảng các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, từ đó thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận, để đạt mục tiêu ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, cần thường xuyên làm tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thường trực cấp ủy, các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong tình hình hiện nay.
Ba là, tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện toàn diện, có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thuộc trách nhiệm của cấp ủy theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.
Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và quy chế làm việc của cấp uỷ, ủy ban kiểm tra và một số lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm; đôn đốc khắc phục khuyết điểm, vi phạm sau kiểm tra.
Bốn là, chỉ đạo ủy ban kiểm tra chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy thực hiện tốt chức năng tham mưu và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do cấp ủy giao; thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.
Năm là, cấp ủy các cấp cần trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời kiện toàn đủ số lượng, nâng cao chất lượng bộ máy cơ quan UBKT cấp mình; quan tâm tổ chức, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là cấp cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh để đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Thường xuyên quan tâm và chăm lo đến chính sách cán bộ nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng.
Sáu là, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra ủy ban kiểm tra cấp dưới trong quá trình thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị.
Bảy là, chú trọng việc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát hằng năm để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục có hiệu quả. Đồng thời phải làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.