Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Kha Sơn (Phú Bình) được Trung ương Đảng lựa chọn làm An toàn khu II (ATK). Đây là một trong những vùng đất giành được chính quyền sớm nhất cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, Kha Sơn trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
Đình Kha Sơn Thượng, nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở những năm 1939-1945. |
Tháng Tám, về Kha Sơn, theo những trục đường bê tông qua làng quê đầy sắc cờ, hoa rực rỡ, chúng tôi như được lây niềm vui của những chủ nhân trên một vùng đất Anh hùng.
Dưới trời cao xanh, lòng người hoài niệm về một Thu xưa. Vâng! Mới ngày nào đã 78 năm đi qua, nhưng những sự kiện lịch sử ấy luôn tươi mới, như một điểm tựa tinh thần vững chãi cho người Kha Sơn vươn lên.
Trước năm 1945, Kha Sơn là nơi chốn đi, về an toàn của nhiều cán bộ Việt minh. Cán bộ ta trong sự đùm bọc, bảo vệ của nhân dân địa phương, thực dân Pháp và bọn tay sai phản động như bị bịt mắt, trói tay. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng được phát triển rộng rãi đến quần chúng nhân dân ở các vùng lân cận.
Một nguyên nhân quan trọng Trung ương Đảng lựa chọn Kha Sơn làm ATK là bởi Kha Sơn kề với sông Cầu, ở vị trí có thể án ngữ được một vùng rộng lớn. Trên có đường bộ, dưới có đường thủy, cầu Ca xưa là bến lớn, nhộn nhịp cho tàu buôn vào ra. Từ đây thuyền ngược lên Bến Tượng, xuôi dòng về đến cảng Hải Phòng.
Kháng chiến, vùng đất Kha Sơn được coi là gạch nối quan trọng giữa ATK Hiệp Hòa (Bắc Giang) với ATK Phổ Yên (Thái Nguyên).
Từ năm 1939, Kha Sơn đã trở thành vùng đất an toàn của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng...
Trong điều kiện hoạt động bí mật, đình Kha Sơn Hạ được tổ chức cách mạng chọn làm nơi cất giấu tài liệu của Trung ương; đình Kha Sơn Thượng được các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt lựa chọn làm nơi ở và chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngôi nhà của gia đình ông Cao Nhật được cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ ở và làm việc.
Chùa Mai Sơn, nơi đặt nhà in đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kỳ. |
Năm 1943, Tổ trung kiên cách mạng được thành lập ở khu rừng Rác. Chùa Mai Sơn được lựa chọn làm nơi tổ chức in ấn nhiều tài liệu quan trọng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8; Điều lệ Việt Minh; Báo Cờ giải phóng và một số cuốn sách viết về chiến tranh du kích.
Từ Kha Sơn, các tài liệu tuyên truyền của Đảng được chuyển đến tay cán bộ, nhân dân trong vùng, trở thành ngọn đuốc soi sáng bao làng quê tăm tối trong lầm than, lam lũ, thôi thúc nhân dân đứng dậy cùng đánh đuổi thực dân xâm lược.
Trong khu rừng Mấn có Trạm Liên lạc của Xứ ủy Bắc kỳ, nơi kết nối, cung cấp thông tin quan trọng lên Trung ương Đảng và từ Trung ương về cơ sở. Cũng ở rừng Mấn, lớp huấn luyện chính trị, quân sự quan trọng của Đảng được mở.
Nhiều sự kiện quan trọng khác của Đảng được tổ chức ở Kha Sơn, điển hình như Hội nghị Quân sự Bắc kỳ do đồng chí Trường Chinh; Hoàng Quốc Việt chủ trì tháng 8-1944; Hội nghị phổ biến Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng, tổ chức ngày 13/3/1945.
Những tên đất, tên làng… có công với cách mạng hiển nhiên đi vào sử xanh đất nước, tạc ghi trên bia đá, lưu danh muôn đời, trở thành một di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ cho con cháu trên mọi miền Tổ quốc tìm về với bài học lịch sử Cách mạng mùa Thu tháng Tám.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin