Thái Nguyên trở thành Thủ đô kháng chiến

TNĐT 10:23, 23/07/2023

Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi Tổng khởi nghĩa năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy trước dã tâm của thực dân Pháp sẽ xâm lược nước ta một lần nữa, và khi ấy Việt Bắc sẽ là căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Vì vậy, trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Tháng 11-1946, Trung ương quyết định thành lập Đội công tác đặt biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, lên Việt Bắc nghiên cứu, lựa chọn địa điểm xây dựng An toàn khu (ATK) để đặt các cơ quan Trung ương.

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, Đội công tác đặc biệt quyết định chọn địa phận các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên); Chợ Đồn (Bắc Kạn); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), mà trung tâm là Định Hóa, Chợ Đồn, Sơn Dương, Yên Sơn, làm nơi xây dựng ATK.

Ngay sau đó, chấp hành chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thành lập các đội công tác về huyện cùng với đội công tác của Trung ương và cán bộ huyện xuống xã củng cố hệ thống chính trị, làm trong sạch địa bàn; vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất; giáo dục, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân giữ gìn bí mật, phòng gian.

Tại huyện Định Hóa, tỉnh đã tăng cường cán bộ xuống chỉ đạo xây dựng các xã Trung Lương, Định Biên, Điềm Mặc, Bảo Linh vững mạnh về mọi mặt.

Từ cuối năm 1946, hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, vải, muối… đã được chuyển lên Thái Nguyên. Nhiều xí nghiệp công nghiệp quốc phòng và kinh tế đã ổn định sản xuất tại đây.

Giữa tháng 3-1947, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành đã tới Việt Bắc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Thường trực Quốc hội và Bộ Tổng chỉ huy đã đến ATK Định Hóa vào tháng 4-1947.

Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí giúp việc đã đến ở và làm việc tại một lán nhỏ trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa), Thái Nguyên trở thành trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước.

Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp hơn 10 vạn ngày công, hàng vạn cây gỗ, tre, nứa để làm lán trại, làm nhà cho các cơ quan, đơn vị quân đội, cung cấp cho căn cứ địa hơn 7.000 tấn gạo, 1.000 tấn thực phẩm (tính từ cuối năm 1946 đến hết năm 1947).

Quan trọng hơn, Thái Nguyên đã được xây dựng thành hậu phương vững chắc của căn cứ địa kháng chiến trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, đặc biệt là hệ thống bảo vệ ATK trong lòng dân, không kẻ thù nào phá được.