Thái Nguyên là vùng đất được hình thành từ lâu đời, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa… Chính vì vậy, Thái Nguyên là tỉnh có truyền thống văn hóa đa dạng và phong phú. Mỗi dân tộc trong tỉnh đều có bản sắc văn hóa riêng của mình, đồng thời trên cơ sở cộng cư đã hình thành niềm cộng cảm trong cộng đồng các dân tộc.
Người dân tộc Mông ở Thái Nguyên. Ảnh tư liệu |
Trong sự nương tựa, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau giữa các làng bản, giữa các vùng trong quan hệ vừa là thân thuộc vừa là láng giềng, bà con người Kinh cũng như người Tày, Nùng và các dân tộc khác đã tiếp nhận các giá trị văn hóa của nhau, góp phần tạo nên tính cộng đồng cao của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Trên mảnh đất Thái Nguyên, sự giao lưu văn hóa diễn ra không phải lẻ tẻ và rời rạc, mà có sự tiếp thu bồi đắp lâu dài, có hệ thống, tạo nên những chuyển biến cơ bản trong việc hình thành và phát triển một truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc.
Các dân tộc ở Thái Nguyên nếu không chung một nguồn gốc nhân chủng thì cũng đã từng cùng nhau dựng nước, giữ nước lâu dài và gian khổ, đã từng sát cánh bên nhau bền chặt.
Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay và các dân tộc khác đã sống xen kẽ đến từng làng bản, từng dòng họ và từng gia đình. Đặc điểm này tạo ra sự đồng tâm nhất trí, đẩy mạnh quá trình hòa hợp các dân tộc và nhanh chóng kết thành một khối, các dân tộc gắn bó với nhau bằng những mối liên hệ hữu cơ từ ngàn xưa.
Biểu hiện sớm nhất của sự cộng cảm văn hóa lâu đời giữa các dân tộc Thái Nguyên được phản ánh ở lễ hội đền Đuổm với sức thu hút đông đảo người dân tham gia, thậm chí cả một vùng dân cư rộng lớn gồm nhiều dân tộc.
Lễ hội đền Đuổm cũng có thể là trầm tích của một lễ hội và tục thờ cổ xưa, đó là tục thờ thần nước với truyền thuyết về lễ hội và 2 vị thần rắn ông Cộc, ông Dài gắn với câu thượng đu Đuổm, hạ lục đầu và gần 300 điểm thờ phụng khác, nằm rải rác suốt hai bên bờ sông Cầu, từ Đu Đuổm (Thái Nguyên) đến Lục Đầu (Phả Lại, Bắc Ninh).
Ngoài ra, Thái Nguyên còn lưu giữ nhiều huyền tích và lễ hội cổ xưa khác nữa, như huyền tích và Lễ hội Cơm hòm được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch tại Tiên Phong, Phổ Yên.
Cùng với huyền tích và lễ hội trên, người Nùng Thái Nguyên còn có kho tàng văn hóa dân gian lâu đời, với nhiều làn điệu dân ca đậm đà bản sắc; người Tày có kho tàng tục ngữ, ca dao phong phú… Do đó, có thể khẳng định rằng Thái Nguyên là một trong những vùng văn hóa lâu đời, giàu truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin