Hát Pả dung - sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Dao

Tùng Lâm 13:51, 28/12/2023

Hát Pả dung là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Dao Thái Nguyên. Đây là hình thức chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng và ước muốn của đồng bào dân tộc Dao trong cuộc sống. Với giá trị tiêu biểu, Pả dung của người Dao Thái Nguyên nói riêng, người Dao trong cả nước nói chung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018.

Hát Pả dung - nét văn hóa đặc sắc của người Dao Thái Nguyên.
Hát Pả dung - nét văn hóa đặc sắc của người Dao Thái Nguyên.

Hát Pả dung là lối hát dân ca có từ lâu đời của người Dao. Trải qua thời gian dài với nhiều thăng trầm, đến nay, những làn điệu Pả dung vẫn được gìn giữ và phát triển bởi các thế hệ, tuy nhiên tập trung ở nhóm trung và cao tuổi. Với mỗi nhóm Dao khác nhau thì lối hát Pả dung cũng có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu.

Theo ông Hoàng Kim Xuân, bản người Dao Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương), Pả dung có nghĩa là ca hát. Hát Pả dung ra đời và phát triển từ trong lao động, sản xuất, nhu cầu đời sống tinh thần, tín ngưỡng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao.

Hát Pả dung được chia thành nhiều loại khác nhau. Trong đó, hát Pả dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; hát Pả dung lễ nghi tín ngưỡng, phong tục là những bài hát sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như: Hát trong lễ Cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…; hát Pả dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động, sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, thời tiết, mùa vụ, được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại.

Là hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ biến, Pả pung được người Dao Thái Nguyên hát vào bất cứ thời gian nào, lời ca chủ yếu hình thành, tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn. Một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau để trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết hay khoẻ khoắn, hùng tráng…

Ông Xuân cho rằng, nét độc đáo trong hát Pả dung giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, thể hiện trình độ tư duy, tài năng ứng biến của người hát. Còn trong các nghi lễ, lễ hội, hát Pả dung lại thể hiện theo bài bản sẵn có, chẳng hạn như lễ Cấp sắc - một nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người đàn ông Dao. Trong nghi lễ này, hát Pả dung được kết hợp với múa gọi là “miến dung”. Khi thầy cúng thực hiện cúng Bàn vương, 3 đôi nam, nữ được mời đến sẽ lần lượt hát 36 bài có nội dung răn dạy con người với những ước mơ trong lao động, sản xuất và lối sống có đạo đức. Người đàn ông trưởng thành là người đàn ông phải trải qua lễ Cấp sắc và thấm nhuần những lời khuyên dạy mà người xưa để lại.

Là nét văn hóa sinh hoạt không thể thiếu của người Dao nhưng do ca từ của các bài Pá dung rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc. Vì thế, hiện nay giới trẻ người Dao Thái Nguyên, nhiều người không mặn mà với hát Pả dung. Bởi lẽ đó, để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quý giá này của người Dao Thái Nguyên, các cấp, ngành trong tỉnh, đặc biệt là những địa phương có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Cùng với đó là tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về các làn điệu Pả dung được lưu giữ trong dân gian để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Đặc  biệt, tại  nhiều địa phương, hằng năm đều tổ chức hát Pả dung để bà con tham gia. Qua đó nhằm đưa Pả dung trở lại phục vụ cuộc sống, gắn với hoạt động trong các lễ hội văn hóa để người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình, nhất là thế hệ trẻ.