Chờ Xuân, trảy hội Lồng tồng

Thảo Nguyên 15:09, 27/12/2023

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhiều người Thái Nguyên lại háo hức đón chờ một trong những lễ hội đặc sắc - Lễ hội Lồng tồng, được tổ chức từ mùng 9 tháng Giêng Âm lịch hằng năm tại xóm Đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa). Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa - Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2017.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa xuân Quý Mão 2023.
Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa xuân Quý Mão 2023.

Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lồng tổng (theo tiếng Tày - Nùng) và Lồng tộng (theo tiếng Dao) đều mang nghĩa là "xuống đồng". Lễ hội là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc, đặc biệt là dân tộc Tày, Nùng, để tạ ơn đất, trời, các vị thần linh; đồng thời cầu xin các vị thần linh che chở có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm.

Cụ bà Ma Thị Cần, 95 tuổi, ở Phú Đình (Định Hóa), nơi tổ chức Lễ hội hằng năm, cho biết: Lễ hội Lồng tồng mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Là Lễ hội cầu may, cầu mùa, là dịp để tri ân trời đất, tri ân tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ, những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái. Sự sinh khắc, chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người…

Đã từ lâu, việc duy trì Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về giúp cho nhân dân Thái Nguyên nói chung, người dân Định Hóa nói riêng có điểm vui chơi bổ ích. Đặc biệt, đây cũng là nơi tụ hội, giao lưu của nhân dân và du khách thập phương, là dịp để những người con của quê hương tri ân với nguồn cội, tổ tiên sau một năm công tác, học tập trên khắp mọi miền Tổ quốc; đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa - Thái Nguyên gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có: Lễ Cầu mùa của dân tộc Tày, Sán Chay; lễ Tịch điền; lễ Cầu phúc của dân tộc Dao với các nghi thức cổ truyền, mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Phần lễ được chuẩn bị một mâm cỗ với đầy đủ các sản vật của địa phương do những bàn tay khéo léo, chịu thương, chịu khó của nhân dân các dân tộc làm ra đem dâng lên trời đất, thần linh. Đặc biệt còn có những hạt giống, theo quan niệm của bà con nơi đây, hạt giống tạo nên mùa màng, tạo ra lương thực cho con người.

Nghi lễ cày Tịch điền tại Lễ hội Lồng Tồng - ATK Định Hóa.
Nghi lễ cày Tịch điền tại Lễ hội Lồng tồng - ATK Định Hóa.

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức, như: Bắn nỏ, cà kheo, ném còn, giã bánh dày, chương trình nghệ thuật, đêm lửa trại… Các hoạt động này tạo nên không khí tưng bừng, mời gọi, thu hút du khách thập phương tụ hội về ATK Định Hóa - Thái Nguyên để cùng hòa mình vào không khí của mùa Xuân với câu Lượn, câu Sli, tiếng đàn Tính của đồng bào nơi đây.

Bà Lê Thị Hoa, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, nói: Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Lễ hội Lồng tồng, tôi lại cùng gia đình về tham dự và cũng là dịp về thăm quê. Tôi rất thích không khí tưng bừng, náo nhiệt khi du khách gần xa được cùng nhau hòa mình vào những trò chơi, làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc; cùng tìm hiểu và mua sắm những nông sản địa phương...

Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Việc tổ chức Lễ hội hằng năm góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống; đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch của ATK Định Hóa với du khách gần xa.