Nhu cầu lớn trong khi nguồn vốn được cấp lại hạn chế khiến nhiều lao động không thể tiếp cận được nguồn vay theo Chương trình giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Thực tế này đang cần sự quan tâm vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện về tình trạng thiếu nguồn vốn cho vay theo Chương trình GQVL đã được đề cập tại nhiều hội nghị giao ban của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ tỉnh đến cấp huyện, cũng như tại các buổi giao ban định kỳ hằng tháng của NHCSXH các huyện, thành, thị với các tổ chức hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm - vay vốn. Thực trạng cung không đủ cầu đã khiến hàng chục nghìn lao động có nhu cầu vay vốn nhưng không được đáp ứng, gây khó khăn trong công tác GQVL, phát triển kinh tế của nhiều hộ dân, nhất là với những hộ không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại.
Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, tính riêng năm 2022, nhu cầu vốn vay GQVL của toàn tỉnh là 535 tỷ đồng, cao hơn 200 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, huyện Phú Bình có nhu cầu cao nhất, với gần 130 tỷ đồng, tiếp đó là T.X Phổ Yên với 105 tỷ đồng. Các địa phương còn lại từ 30-60 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ: Khi ngày càng có nhiều xã về đích nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh dần giảm thì ngược lại, nhu cầu vay vốn GQVL của người dân có chiều hướng tăng. Nguyên nhân là do nhiều hộ không còn được tiếp cận với nguồn vốn của các chương trình khác, như hộ nghèo, cận nghèo, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn… Song, có một thực tế là nguồn vốn của Trung ương cấp về cho NHCSXH tỉnh nhiều năm qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hiện chỉ đạt khoảng hơn 10%. Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay của Chương trình này mới đạt trên 380 tỷ đồng, chiếm 10% tổng nguồn vốn của Chi nhánh.
Nhờ được vay vốn theo Chương trình giải quyết việc làm, gia đình bà Dương Thị Hương, ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ (Phú Bình) đã nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ tương nếp, từ đó tăng thu nhập. Ảnh: T.H
Được biết, trong nguồn vốn cấu thành của NHCSXH tỉnh theo quy định có một phần từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn này còn rất khiêm tốn (166/3.773 tỷ đồng). Trong đó có hơn 9 tỷ đồng được huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khoảng 3-4 năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả ngân sách tỉnh và các địa phương mới dành được trên dưới 20 tỷ đồng để ủy thác cho NHCSXH thực hiện việc cho vay. Có thể nói, đây là con số rất khiêm tốn so với mặt bằng chung toàn quốc. Tính trung bình cả nước, vốn ủy thác của ngân sách địa phương cho NHCSXH đang chiếm trên 10% trên tổng nguồn vốn. Đối với tỉnh Thái Nguyên, con số này mới đạt 3,8% (đứng thứ 39/63 tỉnh, thành).
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Bình cho biết: Là địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án nên nhiều hộ gia đình rất cần vốn để chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, vốn là huyện thuần nông, phần lớn hộ dân lâu nay vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đối với những người không thể đi làm tại các công ty, họ vẫn có mong muốn được vay vốn phát triển nông nghiệp trên diện tích đất còn lại của gia đình hoặc chuyển sang làm một công việc khác để duy trì kế sinh nhai. Cùng với đó, ngày càng có nhiều làng nghề phát triển nên nhu cầu vốn cũng tăng cao. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của nguồn vốn lại rất hạn chế. Chính vì thế, từ nhiều năm nay, chưa năm nào chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn này được hoàn thành, mặc dù đơn vị chỉ xây dựng là 20 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế và năm cao nhất nguồn vốn được cấp (năm 2021) cũng chỉ là 7 tỷ đồng.
Còn theo ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ: Lãi suất cho vay của Chương trình GQVL hiện là 7,92%, bằng Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Tuy so với lãi suất cho vay ngắn hạn của một số ngân hàng thương mại không hẳn đã thấp nhưng do thời gian vay của Chương trình tối đa lên tới 120 tháng, lại ổn định trong suốt quá trình vay và không phải thế chấp tài sản nên nhiều người mong muốn được tiếp cận. Do tình trạng nguồn vốn nhiều năm qua chưa đủ đáp ứng được nhu cầu khiến việc triển khai cho vay của các tổ tiết kiệm - vay vốn cũng như NHCSXH gặp phải một số khó khăn nhất định. Nhiều người đã có thắc mắc, ý kiến tại sao họ có đủ điều kiện lại không được vay; kể cả những hộ được vay thì mức vay trung bình hiện cũng mới đạt 49 triệu đồng/lao động (tối đa là 100 triệu đồng), khiến nhiều người khó đầu tư cho “ra tấm ra món”…
Bà Dương Thị Hương, xóm Nam 1, xã Úc Kỳ (Phú Bình) bộc bạch: Tôi có nguyện vọng vay vốn GQVL từ nhiều năm trước nhưng phải đến tháng 2-2021 mới được vay 50 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giúp tôi có điều kiện nhập nguyên liệu để chuẩn bị sẵn nguồn hàng phục vụ khách trong những tháng mùa Đông. Nhờ đó, trong năm qua, sản lượng tương mà gia đình bán ra trung bình đạt 3.300 lít/tháng, tăng 20% so với trước. Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn được vay nguồn vốn này nhiều hơn, tốt nhất là đạt ở mức tối đa 100 triệu đồng…
Tính đến ngày 15/2/2022, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh là 3.772 tỷ đồng, với trên 105 nghìn khách hàng. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06% (riêng nguồn vốn GQVL không có). Kết quả này phần nào cho thấy nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh nói chung, vốn vay GQVL nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ thực tế đó, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng nguồn ngân sách cũng như vận động, động viên doanh nghiệp dành một phần vốn để ủy thác sang NHCSXH theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội…