OCOP - Hướng đi hiệu quả của hợp tác xã

07:51, 21/01/2022

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định thu nhập cho các thành viên.

Được thành lập vào tháng 10-2020, còn khá non trẻ nhưng ngay trong lần đầu tham gia Chương trình OCOP năm 2021, HTX nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương Đình Quang, Giám đốc HTX cho biết: Trong quá trình triển khai, bên cạnh sự hỗ trợ về kiến thức, quy trình thủ tục, kinh phí in bao bì, tem mác, thiết kế logo từ phía ngành chức năng, HTX cũng chủ động trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguyên liệu đến khâu chế biến. Chúng tôi cũng đầu tư trên 500 triệu đồng mua thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng lên 300m2 để tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm… Từ khi được công nhận đạt OCOP, sản phẩm của HTX đã được trưng bày, bán tại nhiều điểm giới thiệu sản phẩm trong toàn tỉnh. Từ đó, thêm nhiều khách hàng biết đến thương hiệu của HTX, lượng hàng hóa chúng tôi tiêu thụ được cũng tăng mạnh hơn so với thời gian trước.

Còn với HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đơn vị có sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao trong 3 năm liên tiếp và đặc biệt, đây là một trong 2 HTX của tỉnh có sản phẩm đạt 5 sao (cấp quốc gia). Để có được kết quả này, theo Giám đốc HTX miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba: Chúng tôi đã nỗ lực nâng hạng sản phẩm của mình qua từng năm bằng cách quan tâm chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đến cải tiến mẫu mã bao bì, đa dạng hóa nguyên liệu làm miến như dong, khoai lang, sắn dây... Cùng với đó, HTX tranh thủ các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, tăng quy mô, năng suất.

Nhờ tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX miến Việt Cường ngày càng được người dân tin dùng, bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Âu và Lào, Thái Lan. Anh Nguyễn Văn Ba nói thêm: Có thêm nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP chính là động lực để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Năm 2021, HTX nông nghiệp Quang Hà, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) có 3 sản phẩm (gồm dầu lạc, dầu mè đen, dầu đậu nành Phát Lộc) được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: A.N

Triển khai Chương trình OCOP, 3 năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định rõ vai trò tiên phong, chủ thể của mình. Minh chứng là năm 2019 - năm đầu tiên tỉnh triển khai Chương trình này - trong số 25 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP cấp tỉnh, có 20 sản phẩm của các HTX trên địa bàn. Năm 2020, có 34/51 sản phẩm của 20 HTX đạt OCOP cấp tỉnh (chiếm 66,7%). Đặc biệt, năm 2021, trong số 53 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh thì sản phẩm do các HTX sản xuất chiếm đến 90,6%.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng HTX tham gia Chương trình OCOP tăng theo từng năm, các sản phẩm đa dạng về chủng loại, được chú trọng nâng cao chất lượng, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng vùng, miền. Trong năm 2020 và 2021, mặc dù bị ảnh hưởng khá lớn do tác động của dịch COVID-19 nhưng doanh thu, lợi nhuận từ những sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh đều tăng từ 20% trở lên.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, như: Liên kết sản xuất, sản xuất an toàn, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao... Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ 132 HTX nông nghiệp thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với tổng số vốn 82 tỷ đồng; trên 60 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng HTX nông nghiệp. Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2019-2025 với kinh phí dự kiến trên 700 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các cấp, các ngành, đã có 49 HTX với 104 sản phẩm  được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia. 

Thời gian tới,  Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX phát triển, đa dạng hóa sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Cùng với đó, bản thân các HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.